top of page

Redemption Rights: Thay đổi suy nghĩ về quyền thu hồi khoản đầu tư đối với startup

Xin chào các bạn! Trăn trở với bài toán nâng cao nhận thức về xây dựng lộ trình Exit rõ ràng, có trách nhiệm với cổ đông của startup, gần đây tôi có cơ hội được trao đổi vô cùng sâu sắc với một nhà sáng lập startup đáng kính tại Việt Nam. Anh là một nhà sáng lập có tư duy win-win, khi chủ động hỏi tôi về kỳ vọng exit tại startup đầu tư. Từ buổi trao đổi này, vốn là một nhà đầu tư không thích điều khoản Redemption Rights, anh đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ về vai trò của quyền thu hồi này, theo một cách tích cực hơn. Tôi xin phép được chia sẻ về điều này trong bài Daily Blog ngày hôm nay của tôi nhé!


Tôi đã từng trong bài viết trước đây của mình về vấn đề Exit của startup tại Việt Nam, rằng điều hệ sinh thái chúng ta đang thiếu không phải là những Unicorn - kỳ lân, mà là những sự kiện Exit thành công của startup. Chúng ta rất cần những startup có thể phát triển với mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận bền vững hơn, và lộ trình Exit rõ ràng hơn so với hiện nay. Nếu chúng ta không tạo ra được exit thành công, tôi e rằng chúng ta sẽ mãi tắc ở bài toán “con gà - quả trứng” - "Exit - Vốn” cho hệ sinh thái startup. Cụ thể là, nếu không có startup exit thành công, thì sẽ không có nhân tài dám dấn thân hết mình với khởi nghiệp, chúng ta sẽ không có những startup chất lượng với tiềm năng phát triển lớn, từ đó kết quả là sẽ không có niềm tin và dòng vốn đổ vào từ các nhà đầu tư. Tiếp tục, nó sẽ tạo ra cái vòng luẩn quẩn, bế tắc không thoát ra được.


Để được vậy, các nhà sáng lập từ những ngày đầu tiên sẽ cần có tư duy, nhận thức, từ đó là trách nhiệm trong việc hoạch định lộ trình Exit rõ ràng cho các cổ đông startup của mình. Đây đều là những điều quan trọng, không thể thiếu để hiện thực hoá việc gia tăng Exit thành công cho startup tại Việt Nam. Trong áp lực phải gọi vốn nhanh chóng bằng mọi giá, để rồi phải vội vàng chấp nhận các điều khoản đầu tư, sau đó lại quay cuồng trong bài toán áp lực không có điểm dừng về tăng trưởng của startup, khiến cho các nhà sáng lập startup đôi khi bỏ quên suy nghĩ, hoặc sao lãng khỏi việc hoạch định có trách nghiệm lộ trình Exit thành công cho startup của mình sau đó. Vì vậy, thiết nghĩ để nâng cao nhận thức mạnh mẽ hơn nữa về trách nghiệm này của startup, chúng ta sẽ cần những biện pháp mạnh và hiệu quả hơn. Trong buổi trao đổi với nhà sáng lập startup đề cập ở đầu bài viết này, tôi nhận ra có thể việc cài đặt điều khoản Redemption Rights có thể là một trong những cách như vậy, nhưng sẽ cần làm một cách tinh tế, khéo léo, và founder-friendly (thân thiện với nhà sáng lập) nhất có thể.


Redemption Rights, trực dịch là quyền thu hồi đầu tư dành cho các cổ đông, yêu cầu công ty sẽ mua lại cổ phần của họ trong một khoảng thời gian và mức giá quy định trong trường hợp công ty phát triển không như kì vọng cam kết. Thú thực, là một nhà đầu tư thân thiện với startup, ban đầu tôi không thích điều khoản này, với 3 lý do cơ bản sau đây:


  • Thường điều khoản thu hồi đầu tư này sẽ được thực hiện khi startup không phát triển theo kỳ vọng của nhà đầu tư theo như đã cam kết KPIs khi gọi vốn trước đó. Đây có thể là tiền đề gây mất lòng tin của nhà đầu tư với nhà sáng lập khi đã “Overcommitted - Underdelivered”, từ đó là gây mất niềm tin về khả năng tiếp tục tăng trưởng của startup. Một khi đã mất niềm tin này, thì nhà đầu tư sẽ không còn lý do để tiếp tục đồng hành ủng hộ startup nữa.

  • Trong trường hợp này, khi đã không thể phát triển theo kỳ vọng của nhà đầu tư, với startup vốn đã gặp áp lực về dòng tiền để tăng trưởng, nay lại phải thực thi nghĩa vụ mua lại cổ phần từ nhà đầu tư muốn thu hồi khoản đầu tư, sẽ khiến startup gặp khó khăn về tài chính. Trường hợp xấu hơn là startup khi startup không còn đủ tiền để mua lại cổ phần đó theo mức giá quy định.

  • Dù công ty có kế hoạch gọi vốn tiếp để có thêm dòng tiền, thì điều này cũng tạo ra ấn tượng không tốt trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng. Thậm chí đó còn là “red flag”, khi các nhà đầu tư tiềm năng quan ngại rằng, nếu họ đầu tư thì có thể một phần trong số tiền đó, sẽ phải trả lại cho nhà đầu tư, thay vì có thể đưa vào đầu tư cho công ty tăng trưởng. Mối quan ngại này, có thể khiến startup khó có thể thu hút được các nhà đầu tư mới tham gia, hoặc khó có thể duy trì được lợi thế thương lượng đủ tốt với họ, khiến startup phải chấp nhận những điều khoản không thuận lợi cho mình.


Đó là 3 hệ luỵ của điều khoản Redemption Rights này khi bị thực thi một cách thông thường thường. Tuy nhiên, tôi đã có suy nghĩ khác đi về điều khoản này, trong việc tạo ra nhận thức và động lực mạnh mẽ của nhà sáng lập trong việc phát triển doanh nghiệp theo lộ trình tiến tới Exit thành công, nếu được sử dụng một cách kéo léo, nhân văn, tích cực như sau:


  • Đặt ra mục tiêu phát triển thực tế, trong khả năng thực hiện được dựa trên nguyện vọng của nhà sáng lập. Đây cũng là cách nhà đầu tư có thể nhìn thấy được sự tự tin, và sự thành thực của nhà sáng lập. Nhà sáng lập cần có cả 2 điều này, để đặt ra mục tiêu.

  • Thời gian quy định thực thi quyền thu hồi này, nên ít nhất trong khoảng 4~5 năm, để startup có đủ thời gian và không gian thử sai, và tìm hướng phát triển theo kỳ vọng cam kết.

  • Trong trường hợp startup không đạt được mục tiêu đầu tư, cả hai bên cần phải ngồi lại review lại tiến trình phát triển của startup, tìm tiếng nói đồng thuận xây dựng kế hoạch cải thiện, tạo điều kiện ra hạn thời gian thực thi quyền thu hồi này để startup có được cơ hội cố gắng lần thứ hai.

  • Trong trường hợp cả hai bên không tìm thấy tiếng nói đồng thuận để đi tiếp với nhau nữa, thì nhà đầu tư chỉ nên thu hồi bằng đúng số tiền họ đã đầu tư. Không nên nhiều hơn mức này. Trong trường hợp startup chưa có đủ tài chính khi đó để hoàn trả lại khoản đầu tư thì cần tạo điều kiện cho startup giãn lịch trả phù hợp, và vì đã không thể đi tiếp với nhau nữa, thì cũng không nên "phạt" startup bằng việc yêu cầu phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư.


Trên đây là chia sẻ của tôi về những suy nghĩ khác về việc nếu áp dụng điều khoản Redemption Rights một cách đúng đắn, chiến lược, tinh tế, thì có thể gia tăng được tinh thần trách nhiệm với mục tiêu tăng trưởng của nhà sáng lập startup, mà sau đó, chính là trách nhiệm trong việc hoạch định lộ trình Exit thành công hơn cho startup. Tôi tin rằng điều khoản này, có thể là một thách thức “lửa thử vàng” có ý nghĩa dành cho nhà sáng lập startup vừa có đủ sự tự tin và sự thành thực, từ đó là tinh thần trách nghiệm với những cam kết của mình. Yeah, chúng ta cùng just keep fighting vì điều này nhé!

bottom of page