top of page

Bài toán Đồng sáng lập #5: Cần làm gì khi đồng sáng lập rời startup?

Đến hẹn lại lên, trong bài Daily catchup "Bài toán Đồng sáng lập #4: Làm gì khi năng lực của đồng sáng lập không còn phù hợp với startup?" trước, tôi đã đề cập đến trường hợp phải ra một trong những quyết định khó khăn nhất của tổ chức, đó là để đồng sáng lập rời startup. Trong trường hợp này, các đồng sáng lập nên làm gì để bảo vệ startup một cách tốt nhất? Tôi xin phép được chia sẻ một vài quan sát của mình trong bài Daily catchup ngày hôm nay nhé!


Trên thực tế, sự ra đi của đồng sáng lập startup không phải là điều hiếm thấy. Theo quỹ Initialized (quỹ đầu tư được sáng lập bởi chủ tịch YCombinator Gary Tan), chia sẻ rằng trong các startup họ đầu tư, thì có tới 20% các startup của họ chứng kiến sự ra đi của đồng sáng lập ở giai đoạn khá sớm. Cụ thể trong đó, 50% là lúc startup đang ở giai đoạn hạt giống (Seed stage), và 50% còn lại là sau giai đoạn hạt giống (Post seed stage). Quỹ này cũng chia sẻ về 4 lý do chính cho sự ra đi này. Đầu tiên, chiếm tới 30% là lý do đồng sáng lập không có năng lực đủ “scale” nhanh với tốc độ phát triển của startup, 20% tiếp theo chia đều cho 2 lý do tiếp theo dường như là hệ quả kéo theo của lý do trước. Cụ thể là do năng lực của đồng sáng lập không đủ tốt nên về lâu dài khiến công ty không đạt được kết quả kinh doanh như kỳ vọng, và tiếp theo là đồng sáng lập bị triệu chứng “cháy sạch” - burnout, và 10% lý do tiếp theo nằm ở lý do về cam kết lương thưởng không rõ ràng gây ra nhiều căng thẳng mất niềm tin trong startup. Mặt khác, đồng sáng lập startup rời startup còn có thể đến từ lý do tranh dành lợi ích, bỏ bê nhiệm vụ, hay mắc sai phạm lớn, hoặc không còn chung tầm nhìn và đường hướng phát triển của startup. Mà tất cả những lý do này, thường hay được tóm gọn đơn giản lại là người đồng sáng lập đó không còn là Co-founder Fit - người phù hợp cho startup nữa.


Khi startup ra quyết định khó khăn và quan trọng, là để đồng sáng lập rời đi, thì có 3 bước cơ bản sau đây, đòi hỏi các nhà sáng lập còn lại ở startup cần phải xử lý thật hiệu quả bằng sự minh bạch rõ ràng, và hợp tình hợp lý.


Đầu tiên, là bước giao tiếp với đội ngũ, các cổ đông là nhà đầu tư và đối tác của công ty. Đây là bước cần sự khéo léo và chủ động chia sẻ trực tiếp đến từ chính đồng sáng lập ra đi. Đảm bảo đúng nghĩa vụ giải trình và biểu quyết cần có trước các cổ đông của startup. Đồng thời, tránh việc để họ phải lắng nghe thông tin quan trọng này đến từ người thứ 3 qua các lời đồn. Trong thông báo tin quan trọng này, đồng sáng lập đó cần nêu rõ lý do của quyết định rời đi, và thời gian cụ thể sẽ rời đi, cũng như đề xuất nghĩa vụ và quyền lợi còn lại trước khi rời đi, để lấy được sự đồng thuận từ các đồng sáng lập ở lại và các cổ đông của startup.


Tiếp theo, là bước xử lý cổ phần của người đồng sáng lập rời đi đó. Đây cũng là bước cần sự khéo léo, minh bạch, hợp tình và hợp lý, tránh sự xung đột lợi ích giữa các bên, ảnh hưởng tới uy tin và niềm tin của mọi người vào startup. Để đạt được điều này, sẽ cần có 2 tài liệu quan trọng trước đó làm “điểm tựa” quan trọng. Đầu tiên là Co-founder Agreement (Bản thoả thuận đồng sáng lập) có bao gồm thông tin Vesting Schedule (Lịch phân bổ cổ phần của đồng sáng lập), và Shareholder Agreement (Bản thoả thuận cổ đông) có ghi thông tin rõ ràng về điều khoản Bad Leaver & Good Leaver trong việc xác định giá trị cổ phiếu của đồng sáng lập rời đi đó. Việc xử lý cổ phần này sẽ được dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau đây:

  • Bất kỳ nhà đồng sáng lập nào rời đi sớm hơn, không được giữ lại mức cổ phần đáng kể trong công ty.

  • Cần tạo động lực cho những người ở lại hướng tới việc xây dựng giá trị lâu dài cho sự phát triển của startup.

Lý do đơn giản cho những nguyên tắc này là, nếu như người đồng sáng lập đó ra đi với phần lớn cổ phần họ đang nắm giữ của startup, ví dụ như hơn 40% cổ phần ở giai đoạn sớm, thì sẽ khiến cho startup rất khó có thể tiếp tục gọi được vốn từ các nhà đầu tư mới, giữ chân và tuyển thêm nhân tài quan trọng có đủ động lực lâu dài cống hiến cho công ty, hay thậm chí là mua bán sáp nhập startup trong tương lai.

Để đảm bảo những nguyên tắc này, trong các biên bản thoả thuận giữa các đồng sáng lập cần có lịch phân chia cổ phần rõ ràng theo thời gian. Thường sẽ là theo khung thời gian vesting trong 4 năm, và phải sau 1 năm tham gia (1 year cliff) mới bắt đầu được phân bổ mỗi năm là 25% trong tổng số cổ phần dự tính được phần bổ cho đồng sáng lập đó. Bên cạnh đó, những đồng sáng lập ở lại hay các cổ đông của startup cần có quyền được mua lại số cổ phần đã (vested)/chưa (unvested) được phân bổ cho người đồng sáng lập rời đi đó. Và giá trị mua bán số cổ phần đó sẽ được xác định dựa trên điều kiện người đồng sáng lập rời đi là Good Leaver hay là Bad Leaver cũng như kết quả thương lượng từ bên mua - bên bán.


Tiến tới bước cuối cùng, để người đồng sáng lập ra đi trong êm đẹp và giảm đi những tác động tiêu cực lên hoạt động phát triển của startup, thì sẽ cần có giai đoạn chuyển giao về nhiệm vụ, công việc, kiến thức, network mà người đồng sáng lập đó có được trong quá trình tại vị ở startup. Trong một khoảng thời gian chuyển giao đó, sẽ rất khó có thể tìm được luôn người đồng sáng lập mới thay thế, đặc biệt là với startup đã hoạt động được một thời gian, sẽ không có nhu cầu cần phải có một đồng sáng lập khác vào, thì startup sẽ cần thiết kế tổ chức nhân sự kế thừa từ người đồng sáng lập đó một cách hiệu quả.


Tôi tin rằng, như mọi mối quan hệ, không phải là sự kết thúc, mà là cách kết thúc mới thực sự quan trọng. Việc đồng sáng lập rời khỏi startup không phải là dấu chấm hết với startup, nhưng cách chuẩn bị và xử lý cho sự rời đi này mới là điều tạo nên tác động lớn hơn cả. Việc ra đi trong tư thế ngẩng đầu, trong bầu không khí của sự thiện chí và sự tri ân, giữ được ấn tượng tốt về nhau là rất khó, nhưng thực sự rất cần thiết. Startup và đời người cũng như hành trình dài chạy marathon, của sự kế thừa và tiếp nối, các bạn hãy tiếp tục cố gắng, dù là người ra đi hay là người ở lại, để rồi một ngày nào đó trong tương lai có thể gặp lại nhau thì vẫn dành cho nhau nụ cười, cái bắt tay và sự tri ân tốt đẹp nhất có thể nhé! Yeah, keep fighting!!!

bottom of page