Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp đầu tư khởi nghiệp, tôi được chứng kiến một sự kiện thất bại của một ngân hàng, tuy ở rất xa Việt Nam, mà lại có sức công phá, có thể thay đổi hoàn toàn vận mệnh của cả hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung của toàn cầu, và tất nhiên có thể cả sự nghiệp đầu tư của tôi sau này. Vâng, không đứng ngoài sự việc đang thu hút rất nhiều sự chú ý của giới đầu tư tài chính toàn cầu, tôi cũng đã theo dõi sát sao tin tức ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ vừa qua.
Tôi đã từng hỗ trợ các startup quỹ chúng tôi đầu tư tại Singapore, đăng ký mở tài khoản ngân hàng tại quốc gia này. Do đó, tôi hiểu được những thách thức, khó khăn của các startup ở giai đoạn đầu mới thành lập, khó được chấp nhận cho mở tài khoản công ty tại các ngân hàng lớn truyền thống. Nên tôi càng hiểu được vai trò “bệ đỡ” với startup quan trọng đến nhường nào khi có một ngân hàng lớn lại vừa thân thiện, hỗ trợ đồng hành startup phát triển từ những ngày đầu tiên cùng với các quỹ đầu tư chúng tôi. Cách đây đúng 40 năm về trước, SVB đã xuất hiện và trở thành ngân hàng là “bệ đỡ”như vậy cho các startup, tham gia là cái nôi cho sự phát triển đổi mới sáng tạo tại thung lũng Silicon Valley. Tới nay, đã có hơn 40,000 các công ty startup công nghệ đang sử dụng dịch vụ tài chính của ngân hàng này.
Mặc dù SVB được gọi là ngân hàng dành cho startup, nhưng mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận chính cho SVB là cung cấp tín dụng dành cho các quỹ đầu tư PE/VC, với tài sản đảm bảo là các cam kết đầu tư (Capital Commitment) từ các nhà đầu tư LP (Limited Partner) của các quỹ đầu tư PE/VC đó. Kể từ khi thành lập vào năm 1983 tới nay, SVB chỉ có một khoản nợ xấu duy nhất trong mảng kinh doanh chính này. Bởi vì, những khách hàng là các quỹ đầu tư đó đều nhận được các cam kết đầu tư từ các LP, là các nhà đầu tư tổ chức, quỹ hưu trí, các doanh nghiệp lớn và uy tín.
Ngoài ra, SVB cũng cung cấp các khoản vay cho startup. Trong đó, SVB cho các công ty startup ở giai đoạn Later stage (sau khi đã gọi qua một vài vòng đầu tư) vay vốn mạo hiểm (Venture Debt) là nhiều hơn cả. Với các công ty ở giai đoạn early và mid-stage với rủi ro cao, thì họ chỉ cho vay với tỉ trọng danh mục cho vay dưới 10%. Khi SVB cho các công ty này vay vốn, họ sẽ đặt ra điều kiện là các công ty startup cần phải gửi tiền một phần số tiền huy động được đó trong tài khoản của ngân hàng SVB.
Bên cạnh đó, SVB cũng cung cấp vốn vay các nhà sáng lập các startup tầm cỡ Unicorn, thuận lợi gọi được nhiều vòng vốn đầu tư cho startup của mình. Mặc dù họ là nhà sáng lập những startup với định giá cao, và họ được gọi là tỉ phú đô la, nhưng cổ phiếu của họ có tính thanh quản còn thấp, nên trên thực tế họ không có tiền mặt cho những nhu cầu trong cuộc sống như mua nhà. Trong khi đó, họ không thể tiếp cận những dịch vụ vay từ các ngân hàng truyền thống yêu cầu tài sản đảm bảo, thì SVB cũng cung cấp khoản vay cho những nhà sáng lập cho những nhu cầu vay đặc thù kể trên.
Chia sẻ về bối cảnh ra đời và mô hình kinh doanh của SVB kể trên, có lẽ đã đủ để giúp chúng ta hình dung ra sự sụp đổ của SVB đã làm chao đảo giới đầu tư mạo hiểm toàn cầu như thế nào. Đã có rất nhiều tin tức trên các phương tiện truyền thông phân tích chi tiết về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ này, nên trong khuôn khổ bài viết Daily Catchup hôm nay, tôi sẽ không đi sâu vào phân tích nguyên nhân nữa, mà thay vào đó và chia sẻ góc nhìn về những hệ quả liên đới hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Garry Tan - President kiêm CEO của Y Combinator chia sẻ, nếu tình hình sụp đổ của SVB không được cứu vãn thì hệ luỵ của nó có thể làm ảnh hưởng tới tính sống còn của startup và các quỹ đầu tư, thậm chí có thể làm chậm 10 năm tiến bộ, phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay trong làn sóng hoang mang, lo lắng tột cùng của các startup cũng như các nhà đầu tư PE/VC về số phận của tiền gửi của mình tại SVB, mọi người vẫn đang hồi hộp chờ kết quả trong tuần tới từ FDIC. Với một hi vọng rằng, SVB có thể tìm được bên đứng ra mua lại ngân hàng này, hoặc hỗ trợ cứu lấy những khoản tiền gửi của các khách hàng của SVB.
Tuỳ vào kết quả “giải cứu” SVB và khách hàng của SVB như thế nào, mà sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng cuối cùng, kéo theo hệ quả tới toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp Silicon Valley và cả toàn cầu. Tuy nhiên, sự “cú shock” SVB lần này, đã là hồi chuông cảnh báo cho mọi người trọng hệ sinh thái khởi nghiệp vốn nhiều rủi ro này, về những điều thay đổi cần thiết sắp tới.
Trong khi bảo hiểm gửi tiền ở ngân hàng của SVB là 250,000 USD, với các ngân hàng ở Nhật thì sẽ thường là 1000man JYP ( ~75,000 USD), với các ngân hàng tại Singapore là 75,000 Singapore Dollar, còn tại Việt Nam là 125 triệu đồng, thì các startup sẽ cần tiến hành xem xét việc “không nên bỏ trứng vào một giỏ” - đó là gửi tất cả tiền của mình vào một tài khoản ngân hàng, mà cần chia ra gửi vào nhiều ngân hàng khác nhau, và phải là các ngân hàng uy tín.
Nếu như, trong năm vừa qua, với bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, startup gặp phải “mùa đông gọi vốn”, khó khăn tiếp cận gọi vốn đầu tư mạo hiểm, thì Venture Debt - Khoản vay mạo hiểm, từ các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng, đã đóng vay trò quan trọng bổ sung cho dòng vốn hoạt động cho các startup. Sau sự sụp đổ của SVB lần này, có thể khiến các tổ chức tài chính đánh giá lại rủi ro mô hình và cân bằng dòng tiền của mình, trong hoạt động Venture Debt. Điều này có thể khiến dòng tiền Venture Debt tới startup bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí tệ nhất có thể sẽ bị đóng băng tạm thời.
Trước khi SVB diễn ra, các chuyên gia trong giới đầu tư tài chính PE/VC đều dự đoán là có thể nửa cuối năm 2023 tình hình dòng vốn đầu tư sẽ được hồi phục dần lại. Nhưng với tình hình sụp đổ của SVB hiện nay, có thể sẽ khiến hoạt động đầu tư của PE/VC càng chậm hồi phục hơn nữa.
Những điều này sẽ khiến các startup toàn cầu vốn nói chung và các startup Việt Nam chúng ta nói riêng, đã gọi vốn khó hơn, nay lại càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nhiều dòng vốn khác nhau. Do đó, các startup cũng cần chuẩn bị tất cả các kịch bản, tự cường, kiên trì sống như không thể gọi vốn được tiếp trong năm nay. Tất cả là bằng việc tập trung cao độ vào tối ưu dòng tiền và runway cho startup của mình. Yeah, chúng ta cùng quyết tâm keep fighting nhé!