top of page

Thấm thía bài học về sự nóng vội và niềm tin “Sai một ly, đi … lại từ đầu” từ cá nhân tới startup

Được đồng hành ở cự ly gần với nhiều startup, khiến tôi được hoà chung vào không khí làm việc hối hả, của áp lực tốc độ cùng với các nhà sáng lập. Từ đó, tôi cũng hình thành nên tính cách làm việc nhất quán, đó là ưu tiên sự nhanh chóng hoàn tất một nhiệm vụ nào đó. Tuy nhiên tôi cũng thấm thía những bài học quan trọng của “dục tốc bất đạt” để từ đó dặn mình cần biết cân bằng giữa tốc độ và sự sáng suốt trong lựa chọn, thận trọng cùng sự chuẩn bị cần thiết để có thể tối ưu được các cơ hội đến với các nhân và startup.


Vừa qua, chính bản thân tôi được trải nhiệm những điều quan trọng này. Việc suy nghĩ chăm chăm muốn hoàn tất điều gì đó nhanh chóng, khiến chúng ta có thể dễ bỏ qua những tiểu tiết nhưng cần thiết, thiếu sự chuẩn bị cho nó khiến cuối cùng đó lại là yếu tố “chí mạng” khiến sự việc không đạt được kết quả như mong muốn. Dẫn đến việc ta phải làm lại từ đầu. Hoặc tệ hơn nữa là mất đi niềm tin và tin thần cần thiết, để có thể làm lại từ đầu.


Với những ai đã đang làm ở startup, có lẽ đều đã quá quen với văn hoá làm việc Hustle - hối hả, quay cuồng với vô vàn hạn chế về thời gian và nguồn lực. Đó là văn hoá “vừa chạy vừa làm”, “vừa xây vừa vá” với những áp lực không tưởng. Có những lúc mọi thứ từ trong ra ngoài thay đổi với tốc độ quá nhanh, khiến những người trong cuộc bị xoay như chong chóng, khó có thể kiểm soát được. Những điều này có thể “make” tạo nên những nhà sáng lập bản lĩnh nhất với những doanh nghiệp thành công của mình, hoặc cũng có thể “break” - phá tan đi những cố gắng, đòi hỏi nhà sáng lập phải bắt đầu lại từ đầu. Đúc rút từ bài viết Bài toán Build Product #3: Cập nhật 40 cách “kinh điển” khiến sản phẩm tung ra thị trường bị thất bại từ HBR, điều này được thể hiện rõ nhất trong “công thức combo” chí mạng cho sự thất bại ra mắt sản phẩm: Vội vàng ra mắt sản phẩm chưa chỉn chu tới sai phân khúc khách hàng.


Startup ở giai đoạn ban đầu, để có thể nhận phản hồi góp ý từ khách hàng sớm nhất, góp phần hoàn thiện sản phẩm hơn nữa, startup cần ưu tiên nhanh chóng ra mắt sản phẩm Minimum Viable Product (MVP) - Sản phẩm khả dụng tối thiểu hoặc Sản phẩm khả thi tối thiểu. Tuy nhiên, sẽ cái chết “chí mạng” nếu như startup chọn sai phân khúc khách hàng sử dụng sản phẩm có phần “thô sơ” ban đầu này. Nếu không phải là đúng khách hàng cần sản phẩm nhất, có thể đón nhận được giá trị sản phẩm nhất, họ sẽ không dễ gì “khoan dung” tha thứ cho những lỗi thiếu hoàn thiện, chỉn chu của sản phẩm bạn. Hơn nữa, khi đã không hài lòng, họ sẽ đi luôn, mà không quay trở lại tiếp tục sử dụng, chứ chưa nói đến kỳ vọng họ có thể là tích cực chia sẻ feedback góp ý giúp startup hoàn thiện sản phẩm chính thức. Điều này sẽ khiến sản phẩm của startup đón nhận những ý kiến trái chiều, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự đón nhận từ các phân khúc khách hàng mục tiêu khác của mình.


Hi vọng, trên đây là những chia sẻ đau đáu của tôi khi chứng kiến cá nhân cũng như startup chúng ta đã từng có những sự lựa chọn vội vàng, chưa đúng đắn, khiến mọi thứ không đạt được kết quả như kì vọng. Tuy nhiên, tôi vẫn hi vọng rằng sẽ luôn là “sai một ly, đi … lại từ đầu”, rằng chúng ta vẫn luôn tìm thấy cơ hội để được đi lại từ đầu, để có thể đi đúng hơn, tới được đích đến tốt hơn. Yeah, cùng keep fighting nhé!

bottom of page