top of page

Chia sẻ về chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy Đầu tư Đổi mới sáng tạo của Nhật Bản

Vừa qua hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhận được tin từ truyền thông chia sẻ rằng, từ ngày 1/8 này, chính phủ sẽ triển khai thí điểm các chính sách ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư startup tại thành phố HCM. Là người luôn đau đáu về sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, tương tự như Singapore hay Nhật Bản, nếu những chính sách ưu đãi thuế này được thực thi hiệu quả đi vào thực tiễn, sẽ tạo ra bước đột phá phát triển cho toàn bộ hệ sinh thái. Nhân dịp này, tôi xin phép được chia sẻ về chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy Đầu tư Đổi mới sáng tạo của Nhật Bản làm tư liệu tham khảo, trong bài Daily Blog hôm nay nhé!


Có thể nói, đầu tư vào startup là hoạt động vô cùng rủi ro, mạo hiểm. Không phải ngẫu nhiên nghề VC chúng tôi lại được đặt tên là Đầu tư Mạo hiểm. Tôi đã từng chia sẻ quan điểm về “điều mạo hiểm” trong nghề VC trong bài viết trước đây của mình, rằng VC được gọi là tư mạo hiểm đơn giản không chỉ nằm ở con số 75% tỉ lệ thất bại của startup mà các VC đầu tư. Mà vì bản chất của nghề đầu tư tài chính nói chung và của nghề đầu tư vào startup nói riêng, đặc biệt vào giai đoạn sớm hoạt động của startup còn thiếu ổn định, thiếu thông tin xác thực, với quá nhiều vấn đề thông tin bất đối xứng (Asymmetric information), tạo ra nhiều sự bất lợi cho các nhà đầu tư có thể nắm đủ và đúng thông tin startup trong quá trình đầu tư và đồng hành sau đó với startup. Đây chính là “biến số” lớn nhất khiến các nhà đầu tư startup khó có thể kiểm soát được kết quả đầu tư của họ một cách hiệu quả được. Hơn nữa, các nhà đầu tư VC cần phải chờ ít thì vài năm, nhiều thì hàng thập kỉ để có thể được chứng kiến startup mình đã đầu tư có thể thành công thực sự, có thể exit - thoái vốn mang lại lợi nhuận đầu tư. Đó là sự “mạo hiểm” trong nghề VC nói chung trên toàn thế giới. Đứng trước thách thức này, Nhật Bản nói riêng đã có những chính sách tiến bộ để tạo động lực, thúc đẩy tích cực hoạt động đầu tư mạo hiểm vào startup.


Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư vào startup sẽ được hưởng ưu đãi khấu trừ thuế thu nhập. Số tiền khấu trừ có thể được lên tới 25% tổng số vốn đầu tư. Ví dụ, nếu một năm doanh nghiệp đầu tư 1 triệu USD, thì họ có thể tiết kiệm được lên tới 250K USD tiền thuế thu nhập.


Điều kiện áp dụng cho doanh nghiệp đầu tư startup sở hữu cổ phần ít nhất trong 3 năm, với giá trị đầu tư tiền mặt ít nhất 100 triệu Yen (khoảng 700K USD - tính theo tỉ giá hiện tại). Mức khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa là 1,25 tỉ Yen (khoảng 8.8M USD) trên một thương vụ đầu tư startup trong một năm. Và doanh nghiệp đầu tư đó có thể nhận khấu trừ thuế thu nhập ở mức tối đa là 12,5 tỉ Yen (khoảng 88M USD) cho hoạt động đầu tư startup của mình trong một năm.


Điều kiện áp dụng khi doanh nghiệp đầu tư vào những startup thoả mãn các yêu cầu như là startup thành lập dưới 10 năm chưa niêm yết, và không bị chi phối bởi một nhóm công ty lớn nào. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khởi nghiệp thành lập dưới 15 năm cũng có thể được áp dụng chính sách này, nếu có cơ cấu chi phí nghiên cứu R&D trên doanh thu lớn hơn 10%, và hoạt động phát triển kinh doanh vẫn chưa có lãi.


Không dừng lại ở đó, thông tin mới nhất là từ ngày 1 tháng 4 năm 2023 trở đi, nếu các doanh nghiệp thực hiện hoạt động mua bán sáp nhập M&A (sở hữu quá bán cổ phần) nhằm mục đích giúp cho các công ty khởi nghiệp phát triển, thì doanh nghiệp đó cũng sẽ được hưởng ưu đãi khấu trừ thu nhập doanh nghiệp với mức tối đa 25% tổng giá trị số cổ phiếu được doanh nghiệp đó mua lại thông qua M&A.


Có thể nói, đây là những chính sách tiến bộ nhằm khơi thông dòng tiền đầu tư vào startup, bằng việc ưu đãi thuế thu nhập cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản, khuyến khích họ khi có nhiều vốn thặng dư từ hoạt động kinh doanh, tích cực đầu tư trực tiếp vào startup, hoặc thành lập CVC (quỹ đầu tư bên trong doanh nghiệp) hoặc trở thành LP - Limited Partner - đối tác đầu tư cho các quỹ đầu tư mạo hiểm VC.


Nhìn lại hệ sinh thái Việt Nam chúng ta, có thể nói sự “mạo hiểm” trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp, còn được đặt ở một tầm cao hơn rất nhiều, khi các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều rào cản liên quan tới thủ tục rườm rà trong đầu tư, minh bạch thông tin, sự khan hiếm các thương vụ có thể exit tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Chính những điều này là yếu tố lớn cản trở dòng tiền chảy vào hệ sinh thái startup tại Việt Nam. Do đó, hệ sinh thái chúng ta rất cần những chính sách tích cực tiến bộ, thực tế và hỗ trợ tạo điều kiện đến từ Chính phủ trong việc tạo động lực cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư startup, thông qua những chính sách ưu đãi về thuế, tại ít nhất 2 thời điểm - thời điểm thực hiện đầu tư và thời điểm thoái vốn thu lợi nhuận từ đầu tư. Hi vọng, chia sẻ trên của tôi về cách Chính phủ Nhật Bản đưa ra chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trong năm tiến hành đầu tư, sẽ là gợi ý nho nhỏ mang tính tham khảo gửi tới các nhà làm chính sách cũng như các cá nhân tổ chức trong hệ sinh thái startup Việt Nam. Yeah, chúng ta cùng nhau keep fighting tìm ra cơ chế hiệu quả để khuyến khích khơi thông dòng vốn đổ vào startup Việt Nam, là tiền đề quan trọng để chúng ta có thật nhiều người thành công thực sự với startup nhé!!

bottom of page