Xin chào các bạn! Hôm nay tôi có dịp được ngồi nói chuyện với một nhà sáng lập startup khiến tôi có nhiều suy nghĩ về sự tập trung cần có, một cách chiến lược và kỉ luật, cho thấy sự kiên định thực sự khi khởi sự startup. Nếu không có những điều này, các nhà sáng lập dễ bị rơi vào cái bẫy của “Hội chứng đối tượng hào nhoáng”, theo đuổi nhiều cơ hội cùng một lúc, khiến mọi thứ dễ bị “hời hợt”, thiếu chiều sâu, dễ thay đồi và cũng khó đạt được thành công lớn thực sự trong dài hạn. Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về điều này trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!
Tôi đã từng chia sẻ trong bài viết trước đây của mình về tính Bền bỉ trong khởi nghiệp. Ở đó, tôi vô cùng đồng cảm với một chia sẻ sâu sắc, trong cuốn sách Why Startups Fail: A New Roadmap for Entrepreneurial Success của giáo sư Tom Eisenmann đến từ trường Harvard Business School. Đó là, nếu buộc phải lựa chọn một trong hai điều vô cùng quan trọng: giữa “con ngựa” (nghĩa là cơ hội trong thị trường mà startup đang nhắm đến) và “người cưỡi con ngựa” (nhà sáng lập), tôi sẽ ưu tiên lựa chọn vế sau.
Ngày nay, chúng ta rất dễ dàng bị thu hút bởi những cám dỗ xung quanh, với những cơ hội chớp nhoáng. Như việc, chọn "con ngựa" khác nhìn có vẻ khoẻ hơn để cưỡi, chọn con đường tắt để đi, với hi vọng mình sẽ về đích nhanh hơn người khác, mà không biết rằng, thực sự việc cưỡi con ngựa đó có đi nhanh được hay không nằm phần lớn ở người cưỡi ngựa. Việc chúng ta chỉ chăm chăm chọn "con ngựa có vẻ tốt", thấy con bên cạnh tốt bóng bẩy hơn thì nhảy lên mà cưỡi, có thể cũng không biết rằng nó có thực sự tốt hay không tốt, chạy được đường dài hay không. Trên đường đi, liên tục thay đổi "con ngựa", "xoá đường cũ, vẽ đường mới" để đi lại, cuối cùng có thể bạn lại là người đến sau và thua cuộc.
Những nhà sáng lập startup không thành công thường là nạn nhân của Hội chứng đối tượng hào nhoáng (shiny-object syndrome), là hội chứng xảy ra khi một việc gì đó không lập tức mang lại kết quả, họ sẽ nhảy sang thứ tiếp theo mà thu hút sự chú ý của họ lúc đó. Họ liên tục chuyển trọng tâm và ưu tiên của mình mỗi khi gặp khó khăn, do đó, họ không thể đạt được thành tựu dài hạn, lớn lao trong sự nghiệp startup của mình.
Do đó hơn bao giờ hết, nhà sáng lập thực sự cần phải giữ cái đầu lạnh tránh để bị phân tâm bởi các cám dỗ xung quanh, biết rõ mục tiêu cuối cùng cần hướng đến của mình, và luôn giữ sự tập trung một cách chiến lược, hướng tới mục tiêu đó. Cụ thể, trên hành trình hướng đến mục tiêu, các nhà sáng lập cần tìm ra được đúng KSFs (Key Success Factors: Các nhân tố thành công chủ yếu) của startups vào đúng thời điểm và từ đó tập trung đạt được từng KSFs đó thông qua việc thực hiện hiệu quả các chu kì PDCA (Plan- Do- Check- Act Cycle). Việc kiên trì thực thi nghiêm túc chu kì PDCA, lần lượt đạt được những "small-win" (chiến thắng nhỏ) trong những kế hoạch đã đề ra một cách rõ ràng và tập trung, với một tầm nhìn dài hạn bền vững, có thể sẽ đưa startup tới thành công lớn thực sự. Yeah, chúng ta cùng just keep fighting vì điều này nhé!