Gần đây, gặp gỡ và nói chuyện với nhiều nhà sáng lập startup, tôi nhận ra có một thách thức đầy nghịch lý - nhưng lại tồn tại một cách tự nhiên trong cuộc sống mỗi con người. Đó là, chúng ta dù luôn muốn tiến về phía trước, phát triển hơn, nhưng lại bị “kìm” lại bởi một thế lực ghê gớm, đó là lực quán tính. Nó len lỏi vào mọi ngóc ngách của tổ chức, của mỗi các nhân - từ khách hàng, nhà sáng lập, tới mỗi con người trong startup. Nó ghê gớm có thể triệt tiêu nhiều nỗ lực, nguồn lực đổ vào để đẩy chúng ta tiến về phía trước. Tới mức khiến chúng ta phải định vị lại đối thủ thực sự của startup là ai.
Nguyên lý cơ bản của lực quán tính (Law of inertia)
Lực quán tính là hiện tượng một vật thể sẽ tiếp tục chuyển động với vận tốc hiện tại không thay đổi của nó, cho đến khi một lực nào đó làm cho tốc độ hoặc hướng của nó thay đổi. Lực này, khi được áp dụng trong hành vi của con người chúng ta, nói lên xu hướng duy trì trạng thái hiện tại, ngại thay đổi nếu không có một tác động lực từ bên ngoài hoặc bên trong đủ lớn.
Ví dụ, các bạn có nhận ra mình mỗi khi đi siêu thị, thường có xu hướng chọn mua đúng sản phẩm mình đã từng mua trước đó, và liên tục lập lại hành vi này? Đây chính là hành vi theo quán tính thường thấy của mỗi chúng ta, theo thói quen. Nó giúp mình không cần phải tốn quá nhiều sức lực để nghĩ xem phải mua cái gì, tiết kiệm thời gian phải đau đầu cân nhắc mua cái mới nào, cùng với sự lo lắng sau đó với câu hỏi thường trực liệu nó có tốt hơn cái mà mình đã mua trước đó hay không. Đây chính là một ví dụ tiêu biểu cho lực quán tính, tạo ra sức ì khiến chúng ta có xu hướng kháng cự với việc thử những cái mới.
Đối với startup mà nói, thì có lẽ đối thủ lớn nhất không phải là các công ty đối thủ đã được thành lập trước đó, bán sản phẩm thay thế tương tự trên thị trường, mà là sức ì sinh ra từ lực quán tính này.
Đầu tiên là từ khách hàng của mình. Khi startup tiếp cận và bán sản phẩm của mình tới khách hàng, nghĩa là khách hàng đang đứng trước 2 sự lựa chọn: quay lại sử dụng sản phẩm đã và đang dùng, hay là trải nghiệm sản phẩm mới của startup này. Trong hoàn cảnh này, nếu startup chỉ cố gắng chăm chăm đẩy sản phẩm thật bằng mọi giá về phía khách hàng để phá vỡ lực quán tính này, mà không có chiến lược khôn ngoan, cùng với chất lượng sản phẩm thực sự ưu việt, thì có thể khách hàng sẽ kháng cự lại sản phẩm của mình. Tiền đề cần có luôn đến từ sản phẩm và dịch vụ của startup phải thực sự khác biệt và ưu việt hơn các sản phẩm thay thế khác trên thị trường. Tiếp theo startup có thể tạo ra lực tác động lên lực quán tính này, bằng việc giúp khách hàng nhận thức rõ hơn được vấn đề của mình, nhấn mạnh vào cái giá là chi phí của việc không thay đổi cách làm cũ, từ đó là giảm đi các rào cản để trải nghiệm sản phẩm mới của mình, bằng việc dễ dàng dùng thử, đưa họ một vài sự lựa chọn linh hoạt để dễ dàng ra quyết định cho mình.
Lực quán tính này không chừa một ai, kể cả nhà sáng lập. Tôi từng có trải nghiệm làm founder startup thời sinh viên năm 3 đại học tại Nhật Bản, và trong quá trình trao đổi với nhiều nhà sáng lập startup, hơn bao giờ hết tôi có thể thấu hiểu và cảm nhận được sức ì mà các nhà sáng lập phải đối mặt. Nó được đặt trong bối cảnh của áp lực kinh khủng điều hành startup dưới nhiều kỳ vọng của mọi người xung quanh, của sự choáng ngợp của quá nhiều việc phải làm cùng một lúc, của áp lực của việc phải gánh trách nhiệm lớn, chịu rủi ro trong mỗi quyết định quan trọng đưa ra và thực thi của nhà sáng lập. Nó lớn khủng khiếp tới mức, khiến các nhà sáng lập bị rút cạn hết sức lực và tinh thần, trong trạng thái lo sợ phải bị thử thách thêm, dẫn đến việc bị “đóng băng” việc tích cực ra các hành động và quyết định mới cần thiết, thay vào đó là để nguyên trạng thái một thời gian.
Trong trường hợp này, các nhà sáng lập có thể lựa chọn nghỉ ngơi một vài ngày, lấy lại tinh thần và năng lượng cho mình, gợi nhắc lại mục tiêu dài hạn của mình trong hành trình với startup này. Từ đó là xem xét lại các kế hoạch và hành động của mình, xem có điều gì mình cần phải cắt bỏ đi, hoặc xắp xếp lại thứ tự ưu tiên để dễ thực hiện hiệu quả hơn hay không. Trong bài Daily Catchup gần đây về Chia sẻ về cách tôi đã có một ngày nghỉ trọn vẹn không có công việc như thế nào?, tôi cũng gợi ý các nhà sáng lập tìm đến các hoạt động thể chất. Với tôi là chạy bộ, giúp tôi lấy lại được năng lượng tích cực rất nhiều để vượt qua lại sức ì của bản thân mình trong mọi hoàn cảnh.
Và cuối cùng, là lực quán tính sinh ra từ chính bên trong nội bộ của startup, khi mỗi cá nhân, từ nhà sáng lập tới đội ngũ nhân viên đều không thoát ra khỏi được quán tính của chính mình. Từ đó dẫn đến một tổ chức, ngại thay đổi, sợ rủi ro, sợ chịu trách nhiệm, ngại khám phá những hướng đi và cơ hội mới. Do đó, đầu tiên, nhà sáng lập phải là người đi đầu, tiên phong phá bỏ lực quán tính này của cá nhân mình như đã chia sẻ ở trên. Từ đó là giúp đội ngũ của mình nhắc lại mục tiêu dài hạn trong hành trình với startup, nhận thức trước được vấn đề lực quán tính này, hiểu được thay đổi là điều cần thiết. Song song với đó là, các nhà sáng lập startup cần tạo lập văn hoá doanh nghiệp cởi mở chia sẻ thất bại, cổ vũ mọi người dấn thân thay đổi tích cực.
Trên đây là những chia sẻ của tôi về lực quán tính sinh ra sức ì, hạn chế tiềm năng phát triển bứt phá của startup. Hi vọng bài viết này có thể tìm thấy tiếng nói đồng cảm với các nhà sáng lập đang vật lộn với vấn đề này của chính mình và của chính startup mình đang điều hành. Từ việc hiểu được nguyên lý của lực này, và những hệ luỵ của nó, tôi tin rằng chúng ta có thể tìm ra được những lực tác động quan trọng, cần thiết để phá bỏ quán tính này một cách hiệu quả nhất! Yeah, keep fighting nhé!