top of page

Suy nghĩ về những “cái bẫy” tâm lý thường gặp khi quyết định đầu tư startup

Xin chào các bạn! Là một nhà đầu tư mạo hiểm, tôi luôn đau đáu suy nghĩ về những thách thức trong nghề này. Mỗi ngày chúng tôi phải đối mặt với nhiều biến số, sự thiếu thông tin chắc chắn, kéo theo nhiều rủi ro trong mỗi quyết định đầu tư quan trọng. Do đó, đòi hỏi tôi luôn phải giữ một cái đầu tỉnh tảo, bản lĩnh, thận trọng, để nhận ra được những “cái bẫy” tâm lý mà mình cần tránh, để ra tăng được hiệu suất ra quyết định đúng đắn nhất có thể trong hoạt động đầu tư startup của mình. Tôi xin phép được chia sẻ về những “cái bẫy” này trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!


Tôi đã từng chia sẻ về 8 cái bẫy thường gặp khiến chúng ta không thể ra được quyết định đúng đắn trong cuộc sống thường ngày trong bài viết trước đây của mình. Trong đó, tôi cũng nhận ra có nhiều “cái bẫy” tâm lý cũng thường xuất hiện trong hoạt động đầu tư startup của các nhà đầu tư mạo hiểm VC chúng tôi.


Đầu tiên là Bẫy mỏ neo (anchoring trap) khiến chúng ta bị ảnh hưởng khi ra quyết định dựa trên thông tin ban đầu là "mồi nhử" được cài cắm có dụng ý. Các nhà đầu tư dễ gặp phải bẫy tâm lý này khi cân nhắc đầu tư startup lần đầu (first investment). Cụ thể, nhà đầu tư có được ấn tượng tốt với startup và nhà sáng lập thông qua những thông tin tích cực ban đầu được chia sẻ có chủ ý, từ nhà sáng lập chia sẻ trực tiếp, từ trong pitch deck, từ thông tin reference check - đánh giá ban đầu về founder từ những người quen biết. Ấn tượng tốt ban đầu này có xu hướng kéo theo niềm tin tích cực hơn bình thường của nhà đầu tư dành cho startup, thúc đẩy việc ra quyết định đầu tư vào startup. Bẫy này sẽ khiến nhà đầu tư có thể bỏ qua những thông tin không tích cực tiếp theo đó, vì những thông tin và ấn tượng tích cực ban đầu đã “neo đậu” trong tâm trí họ rồi.


Tiếp theo là Bẫy củng cố chứng cứ (confirming evidence trap) khiến chúng ta có xu hướng tập trung vào tìm kiếm thông tin ủng hộ cho một quan điểm trước đó, xem nhẹ thông tin có quan điểm trái chiều. Hoạt động đầu tư startup, đặc biệt là đầu tư startup ở giai đoạn sớm, thường bị chi phối nhiều bởi niềm tin và kì vọng, có xu hướng tích cực hoá. Các nhà đầu tư dễ gặp phải bẫy tâm lý này khi cân nhắc tiếp tục đầu tư (follow-on investment) vào startup đó ở các vòng tiếp theo. Cụ thể, VC sẽ có xu hướng tập trung vào những dấu hiệu tích cực, củng cố cho những suy nghĩ, quyết định trước đó của mình. Thậm chí, trong những update quá trình phát triển có cả tích cực và tiêu cực từ startup, thì những thông tin tích cực sẽ được chọn ra có chủ đích để đánh giá cao hơn, trong khi những thông tin tiêu cực, như những điểm cần startup phải hoàn thiện hơn, được nhắc tới ít hơn.


Cuối cùng là, Bẫy chi phí chìm (sunk-cost trap) sẽ khiến các nhà đầu tư có xu hướng tiếp tục đầu tư vào startup, do đã phát sinh chi phí như đổ nhiều công sức, thời gian, nguồn lực vào đó. Hơn nữa, con người chúng ta thường có xu hướng cảm nhận nỗi đau mất mát về mặt tâm lý mạnh mẽ hơn việc nhận được lợi ích, kéo theo mong muốn né tránh những tổn thất. Do đó, cho dù startup chưa thực sự thuyết phục, chưa đáp ứng được đúng được kì vọng nhưng, các nhà đầu tư thường có xu hướng sẽ bảo vệ startup mình đầu tư. Cùng với niềm tin được tích cực hoá, và bẫy tâm lý mang tên chi phí chìm này, khiến các nhà đầu tư có xu hướng tiếp tục ra quyết định đầu tư follow-on vào các danh mục đầu tư startup trước đó của mình, dù đó là đầu tư theo kiểu “giải cứu” startup tồn tại trước mắt, chứ không hẳn là vì tiềm năng thực sự trong tương lai của startup.


Trên đây là những “cái bẫy” tâm lý mà bất kì một nhà đầu tư mạo hiểm VC cũng có thể gặp phải trong quá trình cân nhắc đầu tư vào startup, đòi hỏi chúng tôi luôn phải rất tỉnh táo, sáng suốt tiếp nhận và xử lý các thông tin đến với mình. Đầu tiên, để không vướng vào Cái bẫy Mỏ neo, các nhà đầu tư chúng ta sẽ không vội “dán nhãn” quy chụp thông tin mình nhận lần đầu, thay vào đó cần đa dạng hoá các nguồn và các tầng thông tin khác nhau, dành thời gian tổng hợp và xử lý chúng. Tiếp theo, để không mắc vào Cái bẫy Củng cố chứng cứ, tôi thường đặt câu hỏi cho chính mình, một cách chủ đích rằng “Liệu có thông tin nào mình đã bỏ sót để đánh giá?”. Cuối cùng, để không vướng vào Bẫy chi phí chìm khi ra quyết định đầu tư, chúng ta sẽ cần nhìn sâu vào bản chất để đặt ra câu hỏi quan trọng nhất: “Startup có thực sự phát triển như kì vọng và tiếp tục có tiềm năng nữa không? Nếu như đầu tư, thì số tiền này sẽ được dùng để làm bàn đạp cho công ty tiếp tục phát triển, hay chỉ đơn giản là giải cứu công ty trước mắt?”. Nghe thì tưởng là đơn giản, nhưng để thực hiện được những điều này, thì các nhà đầu tư chúng tôi luôn cần sự kỉ luật, tỉnh táo, lắng nghe, quan sát và suy nghĩ thật sâu sắc. Tôi viết những dòng này, không chỉ là những chia sẻ đơn thuần tới mọi người quan tâm, mà còn là những lời nhắn nhủ, nhắc nhở gửi tới chính bản thân mình luôn cần cố gắng trau đồi những bản lĩnh này, tránh để mình gặp phải những “cái bẫy” tâm lý, đảm bảo hiệu suất ra quyết định đúng đắn nhất có thể trong hoạt động đầu tư startup của mình. Yeah, hãy cùng just keep fighting với Zunzun nhé!!

bottom of page