top of page

Chia sẻ về tình hình và xu hướng gọi vốn startup trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay

Gần đây tôi được hỏi nhiều về xu hướng đầu tư startup trong năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm này. Thiết nghĩ đây chắc hẳn cũng là mối quan tâm chung của mọi người trong hệ sinh thái startup hiện nay. Với tinh thần mong muốn những chia sẻ của mình là câu trả lời “Sharable - Repeatable - Scalable” cho những câu hỏi quan trọng tôi được nhận nhiều lần, tôi xin phép chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về tình hình thực tế và xu hướng gọi vốn startup sắp tới, thông qua bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!


Các bạn có biết đằng sau tin tức các startup công bố gọi vốn của startup, đó là có thể startup đó đã hoàn tất gọi vốn từ trước đó khá lâu, và việc chọn thời điểm công bố thông tin chính thức cũng nằm trong chiến lược truyền thông của các công ty startup? Và đằng sau những thương vụ gọi vốn được hoàn tất thì thực tế startup đã dành ra từ 6 tháng tới hơn 1 năm trước đó để thực hiện? Do đó, việc này nói lên một điều rằng, các dữ liệu thống kê gọi vốn chúng ta đọc được ngày hôm nay, thường không phản ánh chính xác tình hình thực tế đã xảy ra trong khoảng thời gian đó. Mức chênh lệch về thời gian có thể là từ 6 tháng tới 1 năm, thậm chí là còn hơn vậy nữa.


Do đó, để đánh giá được thông tin chính xác nhất về tình hình gọi vốn của startup trong một thời điểm nhất định, chúng ta cần kết hợp các rất nhiều yếu tố, để nhìn ra được dòng tiền đầu tư đổ về đâu. Trước tình hình lãi suất gia tăng, dòng tiền ngày càng trở nên đắt đó và khan hiếm, đã khiến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh trở trên khó khăn hơn. Do đó, với những tài sản nhiều rủi ro, đặc biệt rủi ro cao như startup, thì đương nhiên sẽ khiến các nhà đầu tư càng trở nên thận trọng và chọn lọc hơn bao giờ hết. Mặc dù nói đầu tư startup với tầm nhìn dài hạn, không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế trước mắt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thực tế khi đầu tư vào startup, các nhà đầu tư sẽ có nhiều sự tính toán kế hoạch, tìm ra thời điểm startup sẽ cần vốn cho các vòng tiếp theo nữa, và câu hỏi đặt ra sẽ là khi đó liệu startup đã có thể đạt được Milestone - những cột mốc quan trọng và tình hình gội vốn có thể thuận lợi cho việc gọi vốn hay chưa. Trong tình hình kinh tế có nhiều khó khăn chung như hiện nay, nhìn chung là tổng cầu giảm, khiến startup có thể sẽ khó đạt được các chỉ tiêu kinh doanh của mình, hoặc cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn để đạt được nó. Vì vậy, việc đảm bảo cho startup có thể vượt qua được vòng tiếp theo, để tồn tại và tiếp tục hành trình phát triển của mình sẽ trở nên nhiều rủi ro hơn nữa.


Từ đây tôi tin chúng ta có thể nhìn ra được xu hướng lựa chọn đầu tư theo ngành nào với mô hình kinh doanh nào có thể thu hút được nhà đầu tư thận trọng ở giai đoạn kinh tế hiện nay. Cụ thể, đầu tiên với những ngành thiết yếu trong cuộc sống của mọi người, như ăn uống - y tế - giáo dục có thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với những ngành khác, với tổng cầu có giảm nhưng cũng không giảm quá mạnh. Các startup trong mảng này, nếu có sản phẩm thực sự phù hợp, vẫn thuyết phục được khách hàng sử dụng bằng giá trị của mình, thì vẫn có cơ hội phát triển. Các startup này có thể vẫn tạo ra doanh thu và lợi nhuận, có thể không quá bứt phá như trước, nhưng có thể tồn tại và phát triển bằng nội lực trước mắt. Còn những mảng chưa thực sự quá thiết yếu trong giai đoạn hiện nay, như giải trí, du lịch, thời trang, đầu tư, thanh toán, tài chính,… thì sẽ khó khăn hơn. Cụ thể, các startup sẽ cần nhiều nguồn lực để thu hút khách hàng trong khi túi tiền của họ đang giảm trong nền kinh tế khó khăn của hiện tại. Do đó, việc họ có thể có được lợi nhuận để tự lực phát triển lúc này, cũng như có thể đạt được Milestone đủ thuyết phục các nhà đầu tư, để tiếp tục vòng gọi vốn tiếp theo lại càng khó hơn nữa. Cũng vì lý do này, mà các nhà đầu tư sẽ dè dặt để đầu tư hơn.


Bên cạnh đó, những mô hình kinh doanh có đặc điểm ngốn nhiều vốn ban đầu (Capital Intensive) thì sẽ khó thuyết phục được nhà đầu tư hơn. Ví dụ như, những mô hình phải đầu tư có sở vật chất ban đầu, phải bỏ nhiều tiền để educate và thu hút người dùng,…. Điểm chung của những mô hình kinh doanh này là, “tiền ra như nước sông Đà, tiền vào nhỏ giọt (hoặc không có) như cà phê phin”. Đơn giản là trước bài toán chi phí vốn cao và khó tiếp cận, mà các startup luôn trong trạng thái khát vốn, nếu không có vốn bên ngoài thì coi như là huyệt tử. Do đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung tìm kiếm cơ hội ở các mô hình kinh doanh có thể tạo ra Cash flow - dòng tiền bền vững hơn, bởi các nhà sáng lập biết làm chủ cuộc chơi, biết cách khiến công ty có thể tự cường được dù có thể gọi vốn bên ngoài được hay không.


Ngoài ra, tôi đã từng chia sẻ trong bài Daily Blog trước đây về, những chỉ số bottom-line thay thế quan trọng khác của các startup ở giai đoạn sớm hiện nay để có thể thuyết phục các quỹ đầu tư VC rót vốn. Cụ thể đó là, Customer Retention Rate - Tỉ lệ giữ chân khách hàng, Operating Efficiency - hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, Capital Efficiency - Hiệu suất sử dụng vốn - là chỉ số cho thấy hiệu quả sử dụng dòng vốn của startup bỏ ra để đổi lấy tăng trưởng về doanh thu. Tôi tin rằng, đây cũng chính là những chỉ số quan trọng nhất bên cạnh chỉ số Bottom-line về lợi nhuận của startup, cho thấy được phần nào sự thay đổi khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư mạo hiểm trong việc lựa chọn startup theo mô hình kinh doanh và thị trường ngành nghề có thể tạo ra được những chỉ số bền vững kể trên, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Tôi cũng tin rằng, khẩu vị đầu tư đầu tư này vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng đầu tư xuyên suốt trong năm 2023 và có thể là tới cả năm 2024, trước khi thị trường thực sự khởi sắc lại với thanh khoản dòng tiền tốt hơn.


Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về tình hình thực tế và xu hướng gọi vốn startup tại Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay và sắp tới. Hi vọng đây sẽ là những gợi ý quan trọng giúp các nhà sáng lập có thể chuẩn bị những hành trang quan trọng nhất cho hành trình phát triển startup của mình, có được sự sẵn sàng nhất cho kế hoạch gọi vốn hiệu quả của mình! Yeah, chúng ta cùng keep fighting cho điều này nhé!

bottom of page