top of page

Chiêm nghiệm nghề VC: Những giá trị tôi mong muốn để lại trong hành trình thập kỉ bền bỉ này

Gần đây, tôi có dịp được ngồi nói chuyện với một tiền bối đáng kính trong nghề với hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư. Anh có chia sẻ rằng, nghề đầu tư này bạc bẽo lắm. Nếu đầu tư thành công thì được tung hô, nếu thất bại thì bị lãng quên. Mà thành công thì là yếu tố rất khó nắm bắt, và cần rất nhiều thời gian để kiểm chứng. Rồi hôm nay, tôi ngồi trao đổi với cô bạn đồng nghiệp trong giới đầu tư VC, trong một bầu không khí lắng đọng suy tư với câu nói vu vơ, rằng 10 năm sau, nhìn lại tuổi trẻ qua đi chúng ta liệu sẽ để lại những gì? Những điều này đã khiến tôi đau đáu suy nghĩ rất nhiều, muốn gói ghém lại chia sẻ với mọi người trong bài Daily Blog này của tôi nhé!


Tôi đã từng chia sẻ quan điểm về “điều mạo hiểm” trong nghề VC trong bài viết trước đây của mình, rằng VC được gọi là tư mạo hiểm đơn giản không chỉ nằm ở con số 75% tỉ lệ thất bại của startup mà các VC đầu tư. Mà vì bản chất của nghề đầu tư tài chính nói chung và của nghề đầu tư vào startup nói riêng, đặc biệt vào giai đoạn sớm hoạt động của startup còn thiếu ổn định, thiếu thông tin xác thực, với quá nhiều vấn đề thông tin bất đối xứng (Asymmetric information), tạo ra nhiều sự bất lợi cho các nhà đầu tư có thể nắm đủ và đúng thông tin startup trong quá trình đầu tư và đồng hành sau đó với startup. Đây chính là “biến số” lớn nhất khiến các nhà đầu tư startup khó có thể kiểm soát được kết quả đầu tư của họ một cách hiệu quả được. Đó là lý do vì sao, thành công trong nghề đầu tư VC này thực sự rất khó nắm bắt, không có một công thức chung nào có thể áp dụng mà chắc chắn hiệu quả thành công được. Hơn nữa, các nhà đầu tư VC cần phải chờ ít thì vài năm, nhiều thì hàng thập kỉ để có thể được chứng kiến startup mình đã đầu tư có thể thành công thực sự, mang lại lợi nhuận đầu tư. Nhưng cũng vì có quá nhiều “biến số” khó nắm bắt như kể trên mà, có thể bền bỉ, kiên nhẫn, mòn mỏi hàng thập kỉ, nhà đầu tư VC đó cũng mãi không thể nhìn thấy thành tựu đầu tư của mình. Có lẽ đây là những lý do vì sao mà vị tiền bối tôi gặp vừa qua đã thẳng thắn chia sẻ rằng: Nghề đầu tư này bạc bẽo lắm em ơi!


Hôm nay là cuối tuần, tôi như mọi ngày thức dậy sớm làm việc, không kịp ăn trưa, chạy đi họp với một nhà sáng lập startup rồi làm việc liên tục tới tận chiều. Để rồi sau đó, khi ngồi ăn tối với một cô bạn đồng nghiệp trong nghề VC này, chúng tôi bất giác ngập ngừng trước câu nói vui vơ, rằng “Chúng ta đang dành tuổi thanh xuân ý nghĩa này của mình, theo đuổi lý tưởng và tầm nhìn của mình với nghề VC này. Khi chúng ta lên tuổi 40, nhìn lại hành trình tuổi trẻ đi qua, chúng ta liệu sẽ để lại được những thành tựu gì?”. Sẽ ra sao nếu như thập kỉ tới, vì sự “bạc bẽo” của nghề được đề cập ở trên, mà cuối cùng chúng ta không thể gặt hái được một thành công đáng tự hào từ hoạt động đầu tư của mình?


Thực sự, là một người có mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng trong nghề VC này, tôi không cho phép mình dừng lại. Đồng thời, tôi luôn muốn mình lăn sả, nỗ lực có chiến lược, tối ưu những giá trị trên từng hành động, việc làm của mình. Kể cả việc tôi đang đánh những dòng chữ chiêm nghiệm trong bài viết này, tôi cũng muốn đó là những dòng chữ có giá trị lan toả nhất tới người đọc của mình. Từng bài viết Daily Blog của tôi đều có những chủ đích tích cực, nhằm hướng tới những giá trị giúp hệ sinh thái startup chúng ta phát triển hơn. Thực sự, tôi chỉ có một mong muốn mãnh liệt và nhất quán trong nghề VC này, đó là được hỗ trợ thật nhiều startup thành công hơn nữa tại Việt Nam. Để làm được như vậy, tôi luôn muốn những giá trị của mình được “Shareable - Repeatable - Scalable” lan toả hơn nữa, từ những startup tôi trực tiếp đầu tư, đồng hành phát triển, tới tất cả mọi người đã - đang - sẽ tham gia hệ sinh thái startup tại Việt Nam. Để từ đó, tôi có thể gián tiếp đóng góp một chút giá trị tích cực kiến tạo nên thật nhiều startup với những nhà sáng lập thành công thực sự với khởi nghiệp tại Việt Nam. Tôi muốn định nghĩa lại thành công của nghề VC. Nếu như đầu tư mạo hiểm thành công là yếu tố rất khó nắm bắt, và cần rất nhiều thời gian để kiểm chứng tạo ra được lợi nhuận đầu tư thực sự, thì tại sao chúng ta không cố gắng tối ưu từng giá trị mình có thể đóng góp trên từng hành động, tạo ra những Small Wins trên hành trình bền bỉ với nghề VC này?


Jamie Tardy- tác giả cuốn sách The Eventual Millionaire, có đề cao vai trò của Small Wins để tạo ra thành công, khi viết: “Success is a series of small wins” (Tạm dịch: Thành công là một chuỗi các chiến thắng nhỏ”).

Small Wins của tôi là mỗi ngày được lăn xả đồng hành hỗ trợ các nhà sáng lập startup của mình đầu tư, được nhìn thấy các startup vượt qua được từng thách thức, giải quyết được từng bài toán khó để từng bước tiến về phía trước, thành công với mục tiêu phát triển của mình. Small Wins của tôi là mỗi ngày được học hỏi tích luỹ kinh nghiệm từ đó, để chia sẻ lan toả những bài học có giá trị tích cực tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Nếu những Small Wins này được tôi thực hiện đều đặn mỗi ngày, sẽ tạo ra Compound Effect- Hiệu ứng cộng dồn. Để rồi thập kỉ tới nhìn lại quãng đời tuổi trẻ theo đuổi tầm nhìn với nghề VC này của mình, tôi đã in dấu ấn trên hành trình ý nghĩa này với những giá trị được cộng dồn đó, gián tiếp góp phần kiến tạo nên những con người thành công thực sự với khởi nghiệp, hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thực sự có thể trở thành “xương sống” của nền kinh tế đất nước. Yeah, Zunzun, just keep fighting nhé!!

bottom of page