Tuần vừa qua Uber thông báo kết quả ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh có lãi trong quý 2 năm 2023, lần đầu tiên sau 14 năm thành lập của công ty này. Tôi mừng cho Uber. Uber có lẽ đã thắp sáng lên hi vọng “có lãi” của các startup khác từ hành trình bền bỉ của mình. Trong đó có Grab. Hôm nay, trên chuyến đường dài từ ngoại thành Sài Gòn trở về, bác tài Grab có nhiệt tình bắt chuyện và chia sẻ với tôi về những khó khăn trong nghề của anh. Những lời chia sẻ đó khiến tôi suy nghĩ suốt chặng đường về. Phải chăng tất cả chúng ta, ai cũng tội trong cuộc chiến áp lực phải có lãi của Grab hiện nay?
Đây là những con số nổi bật tôi được bác tài Grab chia sẻ. 12 - là số giờ phải bác tài phải chạy xe trong một ngày để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình và trả nợ mua trả góp xe ô tô (theo chia sẻ là mỗi tháng bác phải trả lãi 10 triệu đồng), 36% - là phí % tài xế Grab bị chiết khấu trên tổng doanh thu kiếm từ mỗi cuốc xe chạy được. Có nghĩa là nếu giá trị một cuốc xe là 100,000 đồng, thì thực tế tài xế chỉ nhận được 64,000 đồng. Bác tài chia sẻ dù rất bức xúc với Grab vì phí chiết khấu ngày càng tăng cao, nhưng không còn cách nào khác là phải tiếp tục chạy. Có 2 lý do cho việc này. Đầu tiên là chiếc xe được mua trả góp - phương tiện đã được kì vọng có thể giúp bác tài kiếm tiền, có cuộc sống cơm no áo ấm bên gia đình ngày nào, nay lại là một thứ áp lực không tưởng khiến bác tài phải chạy hơn 12 tiếng một ngày bất kể chạy đêm khuya. Vì nếu không tiếp tục chạy xe thì không có tiền để mỗi tháng trả nợ tiền mua xe và trang trải cho cuộc sống. Thứ hai là nếu tắt app Grab, chạy nền tảng khác không chỉ ít khách hơn Grab, mà nếu bị phát hiện còn có thể bị “phạt”. Hình phạt này còn “dày vò” hơn cả việc không có chuyến, đó là bị giao cho các chuyến ngắn “không ai muốn chạy” 20,000 đồng. Nghe tới đây, tôi có cảm giác cuộc sống của bác tài Grab đó như là một chú chuột hamster, cứ mải miết phải chạy trong chiếc lồng quay nhanh và áp lực, không chạy không được.
Tôi đã từng chia sẻ trong bài viết trước đây của mình về kết quả kinh doanh tích cực của Grab trong năm 2022, và trả lời phỏng vấn trong chương trình VTV - Tài chính kinh doanh trước đây, về chiến lược tìm đường có lãi của Grab. Cụ thể, Grab tận dụng lợi thế tạo được “stickiness and engagement” - sự kết dính của người dùng với nền tảng trong hệ sinh thái nhiều dịch vụ của mình, để có thể tự tin làm 2 việc: Gia tăng take rate - phí chiết khấu trên tổng giá trị giao dịch từ các đối tác và Cắt giảm các chương trình incentives - khuyến mãi dành cho khách hàng và đối tác của mình xuống. Chính những điều này, giúp Grab gia tăng thêm biên lợi nhuận, khiến công ty đạt được kết quả tích cực cho bottom-line, từ đó là rút ngắn đường tới điểm có lãi cho công ty. Trước áp lực “peer pressure” có lãi trong hoạt động kinh doanh của Uber, áp lực có lãi từ các cổ đông Grab, và áp lực dòng tiền từ thị trường tài chính vẫn còn nhiều khó khăn hiện nay, Grab chắc không có nhiều sự lựa chọn nào khác, mà vẫn sẽ tiếp tục chiến lược - Gia tăng chi phí chiết khấu và Cắt giảm khuyến mãi cho người dùng cuối.
Đứng trước áp lực này, thật ra những người dùng cuối - những người sử dụng dịch vụ trên nền tảng Grab, cũng tội. Việc nhận được ít incentives - khuyến mãi hơn từ Grab, đồng nghĩa với việc chi phí chúng ta phải trả sẽ cao hơn so với trước kia. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, ai trong chúng ta cũng trở nên “nhạy cảm” hơn về giá, thì quả thực chiến lược tìm đường tới lãi của Grab này, cũng sẽ khiến nhiều người tiêu dùng không vui chút nào.
Từ phân tích trên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy ai cũng đang bị đặt trong thế khó. Đối tác - Grab - Người dùng cuối, ai cũng tội, ai cũng bị kẹp trong một guồng áp lực tài chính riêng của mình. Sau nhiều nghĩ suy, tôi vẫn tin rằng, để có thể mang tới những sản phẩm dịch vụ tốt, tạo ra được nhiều việc làm ý nghĩa, tạo tác động tích cực cho xã hội phát triển, điều đầu tiên doanh nghiệp cần phải sống cái đã. Vì startup còn sống là còn gỡ, còn có thể chiến đấu tiếp được. Nếu doanh nghiệp hết tiền, giống như cơ thể con người là hết máu, thì có nghĩa là sẽ chết. Đừng từ góc nhìn của ban lãnh đạo Grab, tôi hiểu được lý do cho những quyết định khó khăn phải đánh đổi trên của họ. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng, ý nghĩa tồn tại của một doanh nghiệp, thực sự nằm ở việc làm hài lòng khách hàng và đối tác của mình, dựa trên tinh thần win-win - win từ các phía, thì mới bền vững được. Mặc dù Grab đã được coi là “market leader” chiếm lĩnh thị trường Việt Nam hiện nay, nhưng vị trì này sẽ không là mãi mãi nếu Grab không có sự linh hoạt thay đổi phù hợp tốt hơn, để giữ sự ủng hộ của đối tác và khách hàng. Đứng trước áp lực ra tăng cạnh tranh từ các đối thủ mới thiện chiến, và sự vùng lên khi “tức nước vỡ bờ” của các đối tác tài xế và khách hàng, Grab có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức khác tại Việt Nam. Hi vọng, quyết định đánh đổi khó khăn lúc này của Grab chỉ là trong ngắn hạn, công ty sẽ tập trung hơn vào gia tăng năng suất vận hành, gia tăng thêm giá trị cho khách hàng trên cùng một chi phí phải trả, đồng thời chăm lo hơn nữa cho các đối tác của mình, nhất là các bác tài - những người dễ bị tổn thương nhất trong thời buổi kinh tế khó khăn, bấp bênh như hiện nay. Yeah, chúng ta cùng keep fighting vì điều này nhé!!