top of page

Suy nghĩ về tư duy Startup “còn sống là còn gỡ”

Vừa qua, sau khi tôi chia sẻ bài blog dài tâm huyết về Cash Flow & Runway: Chia sẻ về cách startup quản lý, tối ưu dòng tiền và vận mệnh của mình, tôi nhận được một câu hỏi ý nghĩa của bạn độc giả. Đó là, startup trong bối cảnh khó khăn hiện nay, có nên thêm một dòng sản phẩm phụ trợ với chi phí hợp lý, thời gian phát triển và ra mắt thị trường nhanh hơn, từ đó là khả năng tạo doanh thu chắc chắn hơn, giúp cho startup tăng được dòng tiền cash in, và kéo dài thêm runway hay không? Có thể đây là cách làm nghe có vẻ mang tính ngắn hạn, ban đầu có thể khiến công ty phải san sẻ nguồn lực, làm phân tán sự tập trung, làm chậm tiến độ cho việc phát triển và ra mắt sản phẩm chính, mang tính phát triển dài hạn hơn của công ty. Tôi tin rằng có nhiều nhà sáng lập đang trăn trở trước sự lựa chọn này hiện nay, nên tôi quyết định sẽ chia sẻ quan điểm là câu trả lời của mình qua bài Daily blog dưới đây nhé!

Là một người có tinh thần vượt khó AQ mạnh mẽ, tôi luôn có phương châm sống “Nếu đời cho ta một quả chanh, hãy pha thành ly nước chanh thật ngon”. Tuy nhiên để có sức sáng tạo ra cốc nước chanh thật ngon sau đó, thì điều kiện tiên quyết là người pha cốc nước đó phải SỐNG cái đã. Với startup cũng vậy. Startup còn sống là còn gỡ, còn có thể chiến đấu tiếp được. Nếu startup hết tiền, giống như cơ thể con người là hết máu, thì có nghĩa là sẽ chết. Nếu như nhà sáng lập nào còn đang đứng trước sự lựa chọn là nên toàn tâm toàn ý vào phát triển sản phẩm cốt lõi dù chưa ra dòng tiền luôn dù công ty hiện nay đã cạn dần tiền mặt, hay nên mở thêm một dịch vụ nữa, “ăn sổi” hơn ra ngoài thị trường để nhanh chóng mở thêm một kênh tạo doanh thu tức thì luôn cho startup của mình. Thì tôi tin rằng, nhà sáng lập đủ tỉnh táo, muốn sống tiếp, thì sẽ nhận ra rủi ro của 2 sự lựa chọn này là bất đối xứng trong hoàn cảnh này. Họ sẽ ưu tiên phải sống cái đã, bằng sự lựa chọn vế thứ hai. Nhưng nhà sáng lập vừa tỉnh táo vừa thông minh, sẽ có thể tham khảo gợi ý dưới đây, để sản phẩm dịch vụ mới mở ra sẽ là đòn bẩy hiệu quả cho sản phẩm chính trong chiến lược dài hạn của công ty mình.

Tập trung vào tập khách hàng cũ và hiện tại của startup, để phát triển sản phẩm dịch vụ mới vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của họ, vừa có thể tạo ra dòng tiền luôn cho startup, thay vì tập trung vào đối tượng khách hàng hoàn toàn mới trong một thị trường mới. Vì tiếp cận khách hàng cũ đã có tương tác với startup trước đó, sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn so với việc cần phải dành thêm nguồn lực để quảng cáo, thu hút khách hàng mới cho sản phẩm dịch vụ mới của startup. Như tôi có chia sẻ về lực quán tính trong hành vi của con người, mà cụ thể là khách hàng mục tiêu, họ sẽ có xu hướng có sức ì, kháng cự với những sản phẩm mới của thương hiệu mới, hơn là với sản phẩm mới của thương hiệu mình đã biết tới và sử dụng trước đó. Biết đâu, những sản phẩm mới này, trong tương lai sẽ là một phần trong hệ sinh thái của startup mình, thậm chí còn có thể là sản phẩm chủ đạo từ một cú Pivot - chuyển đổi bứt phá thành công sau này.

Vừa qua, tôi cũng có dịp nói chuyện với một nhà sáng lập startup, trong nỗ lực “đa dạng hoá” các kênh doanh thu cho mình, bằng việc nhanh trong mở rộng thêm 2 dòng dịch vụ mới. Cụ thể là bán gói dịch vụ chăm sóc đặc biệt ưu đãi trả trước cho người dùng, và gói ưu đãi quảng cáo cho đối tác trên nền tảng của mình. Tất cả đều nhắm đến tập người dùng và đối tác có sẵn trên nền tảng này. Thêm nữa, từ việc chuyển đổi họ từ khách hàng bình thường dùng miễn phí nền tảng sang khách hàng mua các gói ưu đãi được chăm sóc với quyền lợi đặc biệt, giúp startup này xây dựng được mối quan hệ chất lượng cao, gia tăng độ hài lòng thân thiết với khách hàng của mình. Đặc biệt, đây đều là 2 dịch vụ có thể tạo ra doanh thu, mang lại dòng tiền luôn cho startup lúc này, dù vẫn còn rất hạn chế vì các gói ưu đãi đặc biệt này không phải dành cho tất cả người dùng trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay không của riêng ai. Trong quá trình triển khai 2 dịch vụ mới này, startup còn có cơ hội tập trung, đối thoại để đi sâu vào tìm hiểu các nhu cầu của khách hàng của mình, khiến startup khám phá ra những cơ hội hoàn thiện sản phẩm hiện nay, cũng như thêm ý tưởng phát triển thêm các sản phẩm mới sau này.

Trên đây là những chia sẻ suy nghĩ của mình, vừa là câu trả lời tâm huyết và tấm lòng tri ân cho câu hỏi vô cùng ý nghĩa của bạn độc giả nhiệt thành zunzunstartups.com của tôi. Hi vọng, đây có thể là lời cổ vũ cho các nhà sáng lập startup rằng, chúng ta phải sống bằng mọi cách, vì còn sống là còn gỡ được tiếp. Startup luôn đi tìm PMF - đây là hành trình luôn tiếp diễn mang theo cả nguy lẫn cơ cho startup, mà để theo đuổi hành trình này đến cùng, chúng ta phải sống, nhất định phải sống. Yeah, mình keep fighting cho điều này nhé!!

bottom of page