top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoang Thi Kim Dzung

KHÔN HƠN NHỜ NHỔ "RĂNG KHÔN"

Cuối tuần qua tôi có một quyết định đau đớn nhưng vô cùng sáng suốt đó là Nhổ Răng Khôn. Sau cuộc tiểu phẫu nhổ răng vật vã gần 2 tiếng, trong lúc nằm ở nhà nghỉ ngơi, tôi mới thử tìm hiểu về yếu tố lịch sử và khoa học của chiếc răng khôn này.


Trong quá trình vài triệu năm tiến hóa của loài người từ vượn sang vượn người rồi sang người, xương hàm của con người bé dần. Phần lớn hàm chỉ đủ chỗ cho 28 răng, 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới. Nhưng thực tế là ta có tới 32 răng vì thêm 4 răng khôn, 2 ở hàm trên và 2 ở hàm dưới và mọc sau cùng. Những chiếc răng khôn là răng mọc ở tuổi trưởng thành, khôn lớn, nên được gọi theo cái tên đó, chứ không phải là mọc răng này khiến chúng ta khôn hơn, thông minh hơn như nhiều người lầm tưởng.


Cơ mà, cái tên rất biết “tung hoả mù” khiến chúng ta không biết nên làm gì với nó. Nó là răng khôn, đâu phải răng ngu, răng dại gì đâu đâu, ai nỡ nhổ nó, nên cử để nó yên như vậy. Cho đến khi tới phòng khám nha khoa được bác sĩ tư vấn nói là bạn cần phải nhổ nó với những lý do sau. Thứ nhất, nó không hề có tác dụng gì trong việc giúp bạn nhai tốt hơn. Những chiếc răng khôn mọc lên khá là thừa khi hàm răng với 28 cái trọn vẹn đã hoàn toàn đáp ứng chức năng nhai của con người. Trong một không gian không đủ chỗ cho răng khác mọc lên bình thường, thì nó vẫn cứ cắm đầu mọc một cách không bình thường: ví dụ như, mọc ngược về phía xương hàm hoặc đâm thẳng về phía răng hàm lớn thứ hai ở bên cạnh, khiến cả hàm răng bị xô lệch, mất thẩm mỹ. Không dừng lại ở đó, thêm nữa, chúng còn gây ra dắt thức ăn, sâu răng, viêm lợi,...cùng nhiều biến chứng nha khoa khác đi kèm. Với nhiều cái hại, và khá vô dụng như vậy, thực sự tôi nghĩ, những chiếc răng này không nên được gọi là Răng Khôn một chút nào.


Nhưng khi tìm hiểu về cái tên của chiếc răng này ở nhiều quốc gia, tôi tìm thấy có nhiều điều thú vị: Trong tiếng Anh, răng khôn có nguồn gốc từ tiếng Latin cổ, gọi là Wisdom teeth. Trong tiếng Pháp, thì tên của nó là Dents de sagesse, theo nghĩa đen là “răng của sự khôn ngoan”. Trong tiếng Ả Rập, tên của nó là Ders-al-a'qel (ضرس العقل), nghĩa đen có nghĩa là "răng của trí tuệ ". Trong tiếng Trung, người ta gọi là 智齿, trực dịch ra là răng khôn. Tiếng Việt của chúng ta, cũng được ảnh hưởng theo những tên gọi này, do đó chúng ta có tên gọi cho nó là Răng Khôn.


Duy nhất trên thế giới, có Hàn Quốc gọi nó là Sa-rang-nee (răng tình yêu). Mới ban đầu lướt qua cái tên này, tôi mới nghĩ thầm đúng là đất nước cái gì cũng có thể “lãng mạn hoá” được. Nhưng khi nghĩ sâu hơn, thì mới thấy, có vẻ đây lại là cái tên đặt gần đúng với bản chất của chiếc “răng khôn” nhất. Răng tình yêu, đề cập tới tình yêu khi mới trưởng thành, thường không đi tới đâu, nhiều đau đớn khi mới mọc và khi nhổ bỏ đi, chỉ để lại vết xẹo cuối hàm răng.


Thật ra “chiếc răng khôn” này còn có thể có nhiều cách gọi tên phù hợp khác nữa, nói về những thứ vốn dĩ là thừa thãi hoặc không còn phù hợp với sự phát triển, nhưng tâm lý sợ đau nếu nhổ bỏ, nên cứ để vậy cho đến khi nó làm sâu cả một hàm răng.


Có những suy nghĩ chúng ta từng coi mình là đúng, là hay, nhưng theo thời gian, nhận ra nó không thực sự đúng, hay không còn đúng thì cũng nên coi đó là “chiếc răng khôn”, cần phải nhổ bỏ những suy nghĩ đó.


Có những thứ được đề cao quá mức khi bị nhầm tưởng qua cái tên, qua chức danh hay qua bề ngoài, nhưng có thể thực tế thì cũng vô dụng, thực chất không đáng được đề cao như vậy. Do đó cần phải luôn nhìn vào bản chất sự việc không để mình bị “tung hoả mù” bởi những thứ bề mặt.


Startup cũng vậy, trong quá trình phát triển của công ty, sẽ chứng kiến nhiều nhân sự được coi là Bottleneck- nút thắt cổ chai, làm cản trở sự phát triển nhanh của cả một đội ngũ. Họ coi mình là người “khôn”, mà không cần phải học hỏi thêm để phù hợp với những giai đoạn phát triển của công ty, nên vô hình chung trong mắt mọi người, thật ra họ không phải như mình tự nghĩ. Tệ nhất, là họ không nhận ra là mình cần phải tự “nhổ bỏ” quy nghĩ đó của mình, hoặc ban lãnh đạo startup không dám sợ đau một lần để “nhổ bỏ”.


Vừa qua tôi có dịp gặp gỡ một team startup, họ đã cùng chiến đấu với nhau gần một thập kỉ. Nhưng startup vốn có nhiều nốt thăng trầm, mà trầm thì nhiều hơn thăng. Những đồng sáng lập, cán bộ cốt cán ngày đầu, đã không còn đủ kiên nhẫn và nhiệt huyết đi nữa. Họ xuất hiện như zombie lúc họp team, họ tỏ ra không quan tâm với mọi thứ xung quanh. Điều có thể tệ hơn, là có thể tinh thần chán nản nãy sẽ “lây lan” sang những anh em động đội khác trong team, khiến họ đồng loạt muốn dừng lại. Tôi nói chuyện trực tiếp với giám đốc của startup đó, thì người đó cho thấy sự lưỡng lự, chưa dám “nhổ bỏ” nhân tố “răng khôn” này, vì nhiều yếu tố. Vì tình cảm anh em gắn bó những ngày đầu lập nghiệp, vì “chiếc răng khôn” đã đã một phần của cả hàm, nếu nhổ đi sẽ rất choáng váng, đau đớn, tốn kém, hoặc có thể sau đó là lạc lõng vì mất đi nó. Nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất vấn đề, nếu “chiếc răng khôn” đó không còn phù hợp nữa, họ ở trong tổ chức không còn ý nghĩa, không còn đóng góp giá trị phát triển. Thêm nữa, họ còn cản trở sự phát triển của cả nhóm, cả công ty bằng tinh thần tiêu cực của mình. Nếu không “chữa trị nhổ bỏ” nhanh chóng, thì hậu quả lan truyền nhanh chóng làm sâu cả hàm răng sẽ tới.


Tôi sau 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi sau cuộc tiểu phẫu nhổ răng khôn này, tôi thấy mình thực sự khôn ra với những suy nghĩ như ở trên. Tôi thấy vui vì hàm răng của mình sẽ được thoải mái hơn mà không có bất cứ cản trở nào nữa. Tôi thấy quyết định dám chịu đau để nhổ chiếc răng khôn, là rất đúng đắn.


Hi vọng trong tuần cuối cùng của năm 2021 này, các bạn cũng sẽ có nhiều khoảng thời gian chiêm nghiệm về mình và mọi thứ xung quanh trong một năm vừa qua. Xin chúc các bạn sẽ luôn dũng cảm “nhổ bỏ” những điều cũ, những điều không còn phù hợp, gây cản trở sự phát triển của mình và tổ chức mình, để có một năm mới 2022 thật nhiều thành công nhé!

Xin cám ơn các bạn đã đón đọc bài viết này cũng như nhiều bài viết chia sẻ trong năm nay của tôi! Xin cám ơn rất nhiều!

Comments


bottom of page