top of page

Chia sẻ về quy trình ra quyết định đầu tư startup tại quỹ Genesia Ventures Việt Nam

Xin chào các bạn! Nhận thấy trong quá trình họp với các nhà sáng lập startup lần đầu, tôi hay được hỏi về quy trình ra quyết định đầu tư tại quỹ. Bên cạnh đó, gần đây số lượng deal startup tôi đang xử lý ngày càng gia tăng, thiết nghĩ cũng tới lúc mình cần nhìn lại quy trình đầu tư tại quỹ để tối ưu hiệu suất hơn nữa. Vì vậy, tôi xin phép được chia sẻ về quy trình tiêu chuẩn tại quỹ hiện nay trong bài Daily Blog ngày hôm nay, để các nhà sáng lập hiểu chúng tôi hơn, đồng thời để xem chúng ta có thể làm gì tốt hơn, để đẩy quy trình ra quyết định đầu tư nhanh hiệu quả hơn nữa không nhé!


Tôi đã từng chia sẻ về vai trò và trách nghiệm đặc biệt của từng cá nhân Venture Capitalist tại quỹ chúng tôi trong bài Daily Blog “Suy nghĩ về trách nhiệm làm nghề đầu tư VC”. Ở đó, cụ thể để được chọn là người dẫn dắt deal đầu tư, chúng tôi sẽ phải làm mọi thứ từ đầu tới cuối với tất cả trách nhiệm, từ việc sourcing deal tới đồng hành hỗ trợ startup tới exit hậu đầu tư. Do đó, dưới sự dẫn dắt nhiệt huyết và trách nghiệm của từng nhà đầu tư như chúng tôi, quy trình ra quyết định đầu tư tiêu chuẩn của quỹ tại Việt Nam nói riêng hiện nay được chia ra làm 3 bước chính: Buổi họp đầu tiên với nhà sáng lập; Buổi họp thứ hai với nhà sáng lập và đội ngũ cốt cán; Buổi họp cuối cùng với General Partner (GP) quỹ. Thời gian cần thiết giữa 3 buổi họp này sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: Khả năng phối hợp (follow up) của nhà sáng lập; Mức độ quan tâm với deal xác định thứ tự ưu tiên dành thời gian DD (Due Diligence) nội bộ.


Có thể nói buổi họp đầu tiên với nhà sáng lập là buổi họp quan trọng nhất, chiếm tới 75% kết quả việc người dẫn dắt deal tại quỹ có thực sự quan tâm, có đủ niềm tin cần thiết để đưa mức độ ưu tiên lên cao, để tích cực cân nhắc đầu tư hay không. Tôi đã từng chia sẻ về cách diễn ra buổi họp đầu tiên lý tưởng với nhà sáng lập startup trong bài Daily Blog “Suy nghĩ về buổi Pitch Meeting lý tưởng giữa Startup và VC”. Cụ thể, buổi họp sẽ khoảng 1 tiếng với nhà sáng lập startup. Để đảm bảo hiệu suất tốt nhất của buổi họp, các nhà sáng lập sẽ cần gửi trước Pitch Deck thông qua email (zun@genesiaventures.com), hay gửi trực tiếp trên trang Zunzunstartups này khi tiến hành đặt lịch họp với tôi. Tôi rèn cho mình sự kỷ luật đó là phải chuẩn bị trước cho mỗi buổi họp với founder cho dù lịch trình có bận rộn như thế nào. Do đó, buổi họp đầu tiên giữa tôi và các nhà sáng lập startup trong 1 tiếng, sẽ thường theo agenda như sau:

1/ Giới thiệu bản thân giữa founder và nhà đầu tư tại quỹ (~3 phút)
2/ Nhà sáng lập pitch về startup của mình (30 giây~ 1 phút) (có những lúc không cần vì tôi đã đọc hết thông tin ở Pitch deck trước đó rồi, nhưng phần pitch này là để nhà sáng lập có "đà" vào cuộc thảo luận sâu phía sau)
3/ Cùng thảo luận sâu về lý do khởi nghiệp của nhà sáng lập với ý tưởng này, chiến lược GTM (Go-To-Market), chiến lược phát triển thu hút và giữ chân khách hàng, kết quả kinh doanh (nếu có) và làm thế nào để đạt được kết quả tốt hơn nữa, kế hoạch tuyển dụng và xây dựng đội ngũ mạnh, ... (~56 phút)

Như đã chia sẻ về 2 yếu tố mang tính quyết định để rút ngắn thời gian giữa các bước trong quy trình ra quyết định đầu tư của quỹ, đòi hỏi các nhà sáng lập sẽ cần chuẩn bị kỹ cho buổi họp đầu tiên này. Đầu tiên, là để đảm bảo người dẫn dắt deal chúng tôi có thể hiểu rõ nhất, có sự thuyết phục, niềm tin và sự hứng khởi nhất có thể khi bước ra khỏi buổi họp đó. Đồng thời, nếu còn có những thông tin nào tôi muốn tìm hiểu thêm để gia tăng sự thuyết phục và niềm tin kể trên, thì các nhà sáng lập có thể nhanh chóng follow up sau buổi họp này với chúng tôi trước thứ 2 vào tuần kế tiếp - trước khi tôi bước vào buổi họp nội bộ đầu tiên với GP của mình.


Nếu như người dẫn dắt deal tại quỹ đã được thuyết phục với đủ thông tin và niềm tin mạnh mẽ để theo đuổi thương vụ đầu tư vào startup, thì họ có thể thuyết phục được đội ngũ của mình bao gồm cả GP trong việc tiếp tục tiến vào bước tiếp theo của quy trình ra quyết định đầu tư - đó là Buổi họp thứ hai với nhà sáng lập và đội ngũ cốt cán của startup. Nếu như buổi họp đầu tiên có thể diễn ra online hay offline đều được, thì ở buổi họp thứ 2 này chúng tôi mong muốn có thể được gặp mặt trực tiếp mọi người, để tương tác thảo luận và xây dựng niềm tin hiệu quả hơn nữa. Buổi họp này, nhà đầu tư dẫn dắt tại quỹ sẽ cùng với nhà sáng lập và đội ngũ startup của mình thảo luận sâu và chi tiết hơn nữa các luận điểm đầu tư của mình. Các luận điểm đầu tư dành cho các startup ở giai đoạn hạt giống (Seed round) mà chúng tôi tập trung, sẽ thường xoay quanh về chiến lược GTM, chiến lược lựa chọn phân khúc khách hàng từ đó là cách thu hút khách hàng và giữ chân họ hiệu quả, Kế hoạch xây dựng đội ngũ mạnh cho startup, kế hoạch tài chính và milestones hướng đến của startup,…Tương tự như buổi họp đầu tiên, vẫn là 2 yếu tố mang tính quyết định để rút ngắn thời gian để tiến tới bước cuối cùng - buổi họp với GP quỹ, đó là nằm ở khả năng xây dựng niềm tin mạnh mẽ muốn đồng hành với nhà đầu tư dẫn dắt deal và khả năng follow up chia sẻ thông tin hiệu quả của nhà sáng lập ngay sau buổi họp thứ hai này để chúng tôi xử lý thông tin DD nội bộ. Cùng với đó, chúng tôi có thể sẽ mời các nhà sáng lập tham gia Lunch Meeting hoặc Dinner Meeting thân mật với sự tham gia của các cộng sự trong quỹ đầu tư, để hai bên có thể xây dựng mối quan hệ tin tưởng sâu sắc hơn trước khi tiến tới bước tiếp theo.


Xin chúc mừng khi các nhà sáng lập có thể tới được bước cuối cùng! Có thể nói đi được bước này - là tham gia họp với GP quỹ chúng tôi, các nhà sáng lập đã hầu như đi được 90% con đường rồi. Đây là buổi họp khá dễ thở với các nhà sáng lập startup. Vì GP Takahiro Suzuki của chúng tôi là một GP có sự sâu sắc, luôn tôn trọng lắng nghe các các nhà sáng lập chia sẻ. Tại buổi họp này, người dẫn dắt deal là chúng tôi sẽ tập trung vào những luận điểm đầu tư quan trọng nhất còn lại sau các buổi thảo luận nội bộ tại quỹ, và thường sẽ được follow-up trước đó với các nhà sáng lập để họ chuẩn bị thông tin. Dựa trên những luận điểm đó, chúng tôi sẽ thường thảo luận về tư duy, cách tiếp cận xử lý vấn đề và cách quỹ chúng tôi có thể hỗ trợ startup nếu được đồng hành.


Như đã từng chia sẻ trong bài Daily Blog “Suy nghĩ về trách nhiệm làm nghề đầu tư VC” kể trên, các founder ở ngoài thị trường Nhật, như các founder tại Việt Nam, sẽ không cần phải tham gia IC meeting như thông lệ. Vì nhà đầu tư dẫn dắt deal như chúng tôi sẽ nhận trách nhiệm hỗ trợ bảo vệ thành công deal đầu tư của mình tại buổi họp IC meeting chính thức tại quỹ sau đó, thay cho nhà sáng lập. Nhờ đó, có thể giúp các nhà sáng lập giảm đi áp lực gọi vốn. Thách thức với chúng tôi là sẽ phải thực sự hiểu chi tiết, truyền đạt lại một cách dễ hiểu, thuyết phục và nhận lấy trách nhiệm mà nhà sáng lập gửi gắm để bảo vệ thành công deal tại buổi họp IC toàn quỹ. Đó cũng là một ý nghĩa đặc biệt với chúng tôi khi phải thực sự có niềm tin, tâm huyết và cam kết đồng hành rất lớn với startup đó.


Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về quy trình ra quyết định đầu tư tại quỹ Genesia Ventures Việt Nam chúng tôi. Tôi tin rằng, các nhà sáng lập thông minh, bản lĩnh, tâm huyết sẽ nhìn ra được những kỳ vọng gửi gắm trong mỗi bước của quy trình này, để có thể cùng nhau đồng hành follow up hiệu quả với nhau tiến tới việc ra quyết định đầu tư của quỹ. Tôi cũng tin rằng, bản thân những nhà đầu tư dẫn dắt deal tại quỹ như chúng tôi, cũng luôn cần phải tập trung hiệu quả để tối ưu hơn nữa các quy trình DD nội bộ giữa các bước, để có thể cân bằng được mong muốn kỷ luật trong đầu tư của quỹ cũng như giảm đi áp lực dành thời gian gọi vốn của các nhà sáng lập startup. Yeah, chúng ta cùng keep fighting vì điều này nhé!!

bottom of page