Xin chào cả nhà! Hôm nay mọi người có một ngày làm việc thế nào? Sau một trận ốm ở tuần trước, tuần này mình quay trở lại với guồng quay bận rộn, mà thậm chí còn bận rộn hơn trước ốm, vì nhiều lịch hẹn tuần trước phải lùi sang tuần này. Nhưng mình đã "sạc" đủ năng lượng để có thể catchup với nhiều startup và mọi người nhất có thể. Hôm nay, mình đã có 3 buổi họp, đều liên quan tới Venture Builder. Các buổi họp này kiến mình có nhiều suy nghĩ về vấn đề cũng như hướng giải quyết giúp họ phát triển trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Mình sẽ chia sẻ cụ thể những điều đó trong Daily Blog ngày hôm nay:
1/ Thoughts of the Day: About Venture Builder in Vietnam
Dành cho những bạn đọc chưa biết về khái niệm Venture Builder: Venture Builder (VB) được coi như là "nhà máy sản xuất startup", VB tự xây dựng startup từ những ý tưởng và nguồn lực của chính họ. Ví dụ tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á có Rocket Internet, ở Việt Nam thì có SeedCom, STI, Fram^,... Bài viết trên trang e27 có chia sẻ rất chi tiết, dễ hiểu về sự khác nhau giữa Venture Capital (VC) và Venture Buider (VB) theo bảng như bên dưới.
Mình phải công nhận về vai trò quan trọng của VB ngày càng được khẳng định trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Nếu không có Rocket Internet, thì sẽ không có Lazada. Nếu không có SeedCom, thì sẽ không có The Coffee House như chúng ta thấy ngày nay. Mặc dù những năm gần đây, VC gia tăng hoạt động đầu tư startup ở Việt Nam, nhưng vẫn có rất nhiều startup chưa thể tiếp cận được nguồn vốn từ VC, thì VB được coi là mảnh ghép một phần nào chỗ thiếu đó, đồng thời đóng vai trò quan trọng làm cầu nối giữa startup và VC cho những vòng gọi vốn tiếp theo. Với vai trò ý nghĩa VB như trên, các VC như bên mình cũng rất tích cực xây dựng mối quan hệ với VB, để có được kênh tiếp cận với các startup tốt để đầu tư. Cá nhân mình cũng rất ngưỡng mộ những người "xây startup" ở VB, vì kinh nghiệm cũng như tinh thần khởi nghiệp của họ. Thế nhưng gần đây mình có cơ hội được catchup với các startup, nhận thấy có vấn đề quan trọng mang tính sống còn trong các startup được sinh ra từ một vài VB ở Việt Nam: Đó là:
Nắm lấy gần hết 100% cổ phần startup, và thuê "người thực hiện" ý tưởng của mình.
(P/s: mình không vơ đũa cả nắm tất cả các startup từ các VB đều vậy, chỉ có một vài "hiện tượng" mà đáng lo ngại hiện nay là "con sâu làm giầu nồi canh" sẽ thành quy chuẩn mới sau này trong giới startup)
Tại sao vấn đề này lại quan trọng tới mức mang tính sống còn với startup? Có những lý do cùng với hướng giải quyết như sau:
1. " Người thực hiện" không phải là Founder, là CEO có quyền quyết định cuối cùng, họ là người làm công nhận lương với danh xưng là MD (Managing Director: giám đốc quản lý) . Điều này có nghĩa là, họ sẽ khó có thể hết mình với startup đó được. Việc chỉ được nhận lương hàng tháng, và VB nắm gần hết 100% cổ phẩn vô hình chung làm triệt tiêu động lực và tinh thần khởi nghiệp của đội ngũ điều hành startup. Làm startup rất khó, để xây dựng nó thành công là một chuyện rất rất khó, founder thường là đội ngũ điều hành trực tiếp, ăn ngủ với startup, hi sinh ngày đêm với startup của mình. Vậy hỏi, liệu có người điều hành nào nếu bị lấy gần hết 100% cổ phần, chỉ nhận tiền lương hàng tháng, có thể sống chết với startup, khi biết mình không có quyền quyết định cuối cùng, khi biết được rằng một ngày nào đó mình sẽ bị sa thải, và bị thay thế bởi một người mới được "tuyển dụng" vào? Hôm nay hai startup mình gặp rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một startup thì người MD mình gặp là người thứ 5 được tuyển và thay thế vào làm startup đó. Hay startup khác thì MD là người nước ngoài, vốn trước khi đầu quân cho startup này thì "không thể tìm ra được cái duyên nào với Việt Nam", điều đó khiến mình nghi ngại việc dù MD đó có kiến thức chuyên môn liên quan ở nước ngoài, nhưng chưa chắc đã thực sự am hiểu vấn đề thị trường ở Việt Nam, vì có thể không phải là PMF (People Market Fit: Người phù hợp với thị trường) nên càng khó để xây dựng PMF (Product Market Fit: Sản phẩm phù hợp với thị trường). Thiết nghĩ, từ xưa tới nay, có "đế chế" vương quốc nào hùng mạnh được dựng xây bởi những "ông vua bù nhìn" đâu. Nó nên được xây dựng những vị vua điều hành độc lập quyết đoán, mạnh mẽ và biết tận dụng các nguồn lực xung quanh để phát triển.
Vì vậy hướng giải quyết ở đây là, VB nên tạo ra cơ chế linh hoạt "nâng cao động lực" cho các nhà điều hành startup bằng việc "trao cổ phần" và "trao quyền" nhiều hơn cho startup. Việc đặt ra KPI là một "áp lực" theo nghĩa tích cực cho MD nỗ lực hơn nữa. Nhưng trong các KPI đó có một KPI là về việc thành công gọi vốn, nếu gọi vốn thành công thì MD sẽ nhận được cổ phần nhưng vốn dĩ điểm khởi đầu cho gọi vốn với lý do tiếp sau đây sẽ khiến MD khó vượt qua được ải quan trọng này.
2. Khó có thể gọi vốn vòng Early-Stage (trước Series A) được từ VC.
Lý do là bởi vì VC đầu tư vào các startup ở giai đoạn sớm Early-Stage, thường yếu tố People (đội ngũ sáng lập và điều hành) chiếm tỉ trọng cân nhắc đầu tư rất cao. Do đó các VC sẽ e ngại đội ngũ điều hành là được "thuê" để làm thì đó là điều giảm khả năng startup được nhận đầu tư từ VC ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn hơn, khi đó các startup từ VB nếu đạt được các KPI đề ra thì sẽ có cơ hội được thương lượng với VB để nhận cổ phần (đội ngũ điều hành có thể nhận được tới khoảng 30%), lúc này cổ phần của VB từ 100% sẽ được giảm dần xuống qua mỗi giai đoạn mục tiêu. Ngoài ra ở giai đoạn muộn startup cũng có thể cho thấy các con số phản ánh được năng lực, cũng như tiềm năng phát triển của startup đó hơn, nên các VC đỡ dè dặt hơn, và có thể ra quyết định đầu tư. Dưới đây là thông tin các vòng gọi vốn cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư khác nhau dành cho Lazada. Mặc định Rocket Internet hỗ trợ Lazada rất nhiều (nhưng không có con số cụ thể) cho tới vòng Series A, Rocket Internet và Summit Partners mới thực sự cùng xuống tiền con số $40M đầu tư chính thức lần đầu tiên vào năm 2012 (Tham khảo ở đây) Sau đó, các vòng sau, Lazada gặp thuận lợi trong việc gọi vốn các VC qua nhiều vòng cho tới vòng Series G được đầu tư và mua lại trên 80% cổ phần từ Alibaba.
Vì vậy hưởng giải quyết ở đây là, VB cần phải là "cầu nối đủ dài" cho startup của mình tới VC. Có nghĩa là VB sẽ cần tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho startup đi ít nhất cho tới Series A. Nếu không hỗ trợ đủ tới đó, việc khó có thể đầu tư từ VC sẽ khiến startup cạn kiệt nguồn lực, dẫn tới "chết yểu", là một điều rất đáng tiếc. Trong trường hợp chính VB cũng bị cạn kiệt nguồn lực, thì giải pháp là VB cần phải đích thân đi gọi vốn chung cho VB, rồi từ đó phân bổ nguồn lực tới các startup của mình.
Trên đây là những suy nghĩ có thể vẫn còn hạn hẹp, nhưng là đóng góp mang tính xây dựng tới một số bộ phận VB để họ và các startup của mình, có thể cùng thắng (win-win) trong hành trình xây dựng startup vốn dĩ không hề dễ dàng gì này. Mình rất hi vọng, VC mình có thể tiếp tục là cánh tay nối dài hợp lực với VB tốt trong việc đầu tư và hỗ trợ các startup để hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng khởi sắc hơn nữa.
2/ Event-to-Join of the Day: Edtech Startups in Vietnam~ Fueling SEA Asia's Next Wave of Growth~ (by EdtechAsia)
Đây là sự kiện mình sẽ tham gia vào ngày mai với tư cách là khách mời VC, đã từng có kinh nghiệm đầu tư vào Edtech startup ở Việt Nam. Mình sẽ chia sẻ về tiềm năng, xu hướng cũng như thách thức của startup lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam. Ngoài ra cũng sẽ có 5 startup Edtech sẽ tham gia pitch trong sự kiện này. Date & time: 3:00 PM -4 :00 PM ngày 30/06 Nếu các bạn quan tâm có thể đăng kí tham gia ở link này nhé! (P/s: Tại thời điểm mình post bài này thì sự kiện đã bán hết vé, rất tiếc cho những bạn nào quan tâm nhưng kịp đặt vé. Vì vậy mình sẽ tổng hợp lại thông trao đổi tại sự kiện này để chia sẻ vào Daily Blog tiếp theo nhé!)
Xin cám ơn các bạn đã kiên nhẫn dành thời gian Catchup với mình qua bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!
Xin chào và hẹn gặp lại các bạn vào ngày mai!
Comments