top of page
Tìm kiếm

#14: Daily Catchup with Zun: Top 7 things to look in a great startup, My responses in Edtech Webinar

Xin chào các bạn!

Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng 7, đồng nghĩa là ngày đầu tiên của một quý làm việc mới. Chắc hẳn mọi người đều có cho mình những mục tiêu mới và niềm hứng khởi mới? Mình cũng đã lên các mục tiêu cùng kế hoạch mới cho công việc và cuộc sống của mình. Một trong những mục tiêu đó là hằng ngày trải nghiệm học hỏi nhiều hơn nữa để có thể đều đặn chia sẻ những thông tin bổ ích tới các bạn thông qua Blog này, để góp phần nhỏ bé vào sự phát triển chung của cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam. Mình mong có thể tiếp tục nhận được sự ủng hộ đón đọc của mọi người.


Hôm nay hãy cùng catchup cùng mình với những nội dung sau đây nhé:


1/ Good Article of the Day: Top 7 things to look for when evaluating a business idea


Đây là bài viết trên Newsletter của Lenny Rachitsky, người vừa có kinh nghiệm phát triển sản phẩm với vai trò là Growth PM của Airbnb, vừa là nhà đầu tư vào startup, nên góc nhìn của anh đều khá đa chiều và toàn diện. Đây là một trong những bài mình nghĩ rất có ích không chỉ dành cho các nhà đầu tư khởi nghiệp như mình, mà còn dành cho tất cả những anh chị em đang làm startup.

Dưới đây là 7 checklist quan trọng trong việc đánh giá một ý tưởng kinh doanh là khả thi.


1. Product-Market Fit: Sản phẩm phù hợp với thị trường ー Liệu người dùng mục tiêu có thực sự muốn sản phẩm của bạn?


“The only thing that matters is getting to product-market fit.” — Marc Andreessen

Thước đo đánh giá cho sản phẩm của bạn đạt Product Market Fit:

  • Tỉ lệ khách hàng quay trở lại sử dụng cao

  • Tỉ lệ tăng trưởng người dùng theo tháng và năm cao

  • Sản phẩm của bạn vượt trội hơn 10 lần các sản phẩm thay thế khác trên thị trường.

  • Nhận được phản hồi tích cực từ người dùng

  • Người dùng sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ của bạn

2. Thị trường tiềm năng — Liệu có nhiều người thực sự muốn sản phẩm của bạn?


Thước đo đánh giá cho sản phẩm của bạn nhắm đến một thị trường tiềm năng:

  • Một tập lớn khách hàng bị "bỏ quên" không được phục vụ trong thị trường đó

  • Mong muốn trả tiền cao để có sản phẩm/ dịch vụ của bạn

  • Khách hàng đang thực sự khổ sở với vấn đề mà bạn muốn giải quyết

  • Liệu trong thị trường này có cơ hội có được doanh thu $1B/ năm không?

(P/s: doanh thu 1 tỉ đô này là thước đo tham vọng ở quy mô thị trường toàn cầu, với startup ở Việt Nam mình thì có thể thực tế hơn với tham vọng đạt doanh thu 100 triệu đô) Nếu thị trường ban đầu nhỏ, thì nhìn sang các thị trường liền kề và mở rộng nó.


3. Tại sao là bây giờ ー Điều gì đã thay đổi khiến sản phẩm của bạn phù hợp lúc này?


Thước đo đánh giá cho sản phẩm của bạn là ĐÚNG thời điểm:

  • Đã có một sự thay đổi tiến bộ trong công nghệ giúp giải quyết vấn đề trong thị trường mục tiêu hiệu quả hơn bất cứ sản phẩm thay thế khác nào.

  • Đã có một sự thay đổi trong việc áp dụng và phổ cập công nghệ đó

  • Đã có sự thay đổi tích cực trong quy chế và pháp luật chấp nhận sản phẩm của bạn.

  • Đã có sự thay đổi trong nhận thức và niềm tin của người dùng sản phẩm.

  • Khi bạn đã tìm ra một kênh phân phối mới sản phẩm tới tay người dùng hiệu quả hơn

  • Chi phí sản xuất sản phẩm đã giảm hoặc giá bán sản phẩm đã tăng đáng kể

4. Kênh phân phối ー Bạn có thể giúp người dùng tìm đến sản phẩm một cách hiệu quả?


“Poor distribution — not product — is the number one cause of failure.” — Peter Thiel

Thước đo đánh giá cho sản phẩm của bạn đã tìm ra cách tiếp cận tới người dùng một cách hiệu quả:

  • Có một chiến lược phát triển rõ ràng

  • Có một chiến lược phát triển khác biệt

  • Có cách tiếp cận đặc biệt tới tập khách hàng mục tiêu

  • Có kênh phân phối mới khác với các kênh truyền thống

  • Tỉ lệ LTV/CAC (Doanh thu vòng đời khách hàng / Chi phí có được khách hàng) cao

5. Team ー Đây có thực sự là đội ngũ phù hợp nhất xây dựng sản phẩm này?


Thước đo đánh giá một đội ngũ phù hợp nhất để xây dựng sản phẩm:

  • A+ founders: Những người sáng lập "hạng A+" về sự xuất sắc và ưu tú trong lĩnh vực đó

  • Những người sáng lập am hiểu sâu sắc vấn đề của người dùng.

  • Những người sáng lập có góc nhìn độc đáo về cơ hội tiềm năng lớn trong thị trường

  • Những người sáng lập đã từng có kinh nghiệm làm việc hoặc hợp tác trước đó, để có đủ niềm tin và sự ăn ý kết hợp nhất định.

  • Những người sáng lập có thể "move fast", hành động nhanh, quyết liệt và hiệu quả

6.  Moat: Lợi thế cạnh tranh ー Bạn có thể trở thành số một?


Thước đo đánh giá lợi thế cạnh tranh của một startup:

  • Sản phẩm có hiệu ứng mạng (network effects: là việc gia tăng người dùng mới sử dụng sản phẩm của bạn sẽ làm gia tăng lợi ích cho những người dùng trước đó)

  • Sản phẩm có tận dụng được tính quy mô kinh tế (economics of scale: là việc gia tăng sản lượng sẽ giúp tối ưu hoá chi phí sản xuất sản phẩm)

  • Sản phẩm có chi phí chuyển đổi cao (switching costs: là chi phí chuyển đổi sang dịch vụ thay thế khác)

  • Sản phầm có tiềm năng trở thành thương hiệu mạnh, đứng đầu trong tâm trí người dùng

  • Sản phẩm có nguồn cung độc quyền, khiến người dùng tìm đến bạn vì họ không thể tìm được ở nơi nào khác.

  • Sản phẩm có công nghệ độc quyền, hay sáng chế đã đăng kí sở hữu trí tuệ

  • Có quyền truy cập độc quyền (dữ liệu, tài khoản, bảo vệ người dùng theo quy định luật pháp)

7. Mô hình kinh doanhー Liệu nó có khiến startup của bạn đi nhanh và phát triển một cách hiệu quả, bền vững?


Thước đo đánh giá một mô hình kinh doanh là hiệu quả, bền vững:

  • Có biên lợi nhuận cao

  • Chi phí có được người dùng (CAC) thấp, Giá trị và lợi nhuận trên mỗi một vòng đời khách hàng (LTV) cao >>> Từ đó, hiệu suất tính trên đầu đơn vị (Unit economics = LTV - CAC > 0 ) là dương, giúp startup nhanh chóng tìm được điểm hoà vốn.

  • Vòng sales tới khách hàng ngắn

  • Có được dòng tiền cao

Trên đây là 7 Checklist lớn quan trọng trong việc đánh giá một startup là tiềm năng, đúng và đầy đủ theo góc nhìn của cả nhà đầu tư và đội ngũ làm startup. Không có startup nào là hoàn hảo có đầy đủ hết tất cả mọi thứ luôn cùng một lúc, nhưng checklist này sẽ giúp chúng ta tập trung hơn vào việc bổ sung và hoàn thiện nhiều nhất có thể để hướng tới xây dựng startup phát triển đột phá và bền vững hơn.


2/ Webinar of the Day: My full responses in EdtechAsia Webinar


Theo mình có giới thiệu ở Daily Blog trước, mình có tham gia làm khách mời trong buổi hội thảo trực tuyến Edtech Startups in Vietnam: Fueling SEA Asia's Next Wave of Growth, do EdtechAsia tổ chức.




Mình và chị Trâm- nhà sáng lập của KYNA và chị Quỳnh- giám đốc phát triển của Zones Startup đã có một buổi trao đổi rất cởi mở với góc nhìn đa chiều đánh giá về khởi nghiệp trong lĩnh vực Edtech (Công nghệ Giáo dục) ở Việt Nam.


Dưới đây là câu trả lời đầy đủ của mình cho 4 câu hỏi quan trọng xoay quanh chủ đề này:


1- Định vị startup về Edtech của Việt Nam trong khu vực theo góc nhìn của nhà đầu tư là gì?


Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ tính riêng mảng e-learning đã có ước tính khoảng 17 tỉ đô vào năm 2023, thì Việt Nam trong đó cũng được ước tính đạt giá trị 3 tỉ đô vào cùng năm. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Ambient Insight, Việt Nam được xếp hạng 1 trong 10 thị trường hàng đầu với mức tăng trưởng e-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng 44,3% trong năm ngoái. Đi cùng với tỉ lệ sử dụng Internet là 70% tại thời điểm tháng 1/2020 và điện thoại thông minh cũng ngày càng gia tăng chiếm vị trí cao trong vực, đã thúc đẩy việc tiếp cận với nội dung học trực tuyến dễ dàng hơn. Ngoài ra không thể không nhắc đến tinh thần đề cao việc học tập ở Việt Nam rất cao, từ mảng K-12 (chương trình giáo dục từ lớp 1 tới lớp 12), tới mảng đào tạo ngoại ngữ, đào tạo phát triển nghề nghiệp đều có nhu cầu cao trong thị trường. Đó đều là những cơ sở để đánh giá tiềm năng và cơ hội rất lớn trong thị trường này dành cho các startup Edtech ở Việt Nam.


2- Bạn đánh giá việc các công ty Edtech ở khu vực vào thị trường Việt Nam là cơ hội hay là thách thức đối với các startup Edtech nội địa?


Việc các đối thủ ngoại vào thị trường Việt Nam cho thấy cơ hội nhiều hơn thách thức đối với các startup Edtech nội địa mình. Đó là cơ hội cùng khai phá educate thị trường, cùng với đó là cơ hội được học hỏi lẫn nhau những điều hay, điều mới từ đối thủ nội ngoại để có thể linh hoạt áp dụng vào startup của mình. Mặt khác, làm startup về Edtech mang tính đặc thù của ngành đó là cần sự chỉn chu trong chất lượng nội dung học và dịch vụ, cùng với sự am hiểu học sinh mang tính địa phương đó là thách thức chung cho cả 2 bên. Ngoài ra, việc gia tăng các bên tham gia vào thị trường này, sẽ khiến chi phí có được người học (CAC) ngày càng cao, đồng thời cạnh tranh sẽ khiến mức giá học giảm xuống (LTV cũng sẽ giảm đi), sẽ cũng là thách thức chung cho startup Edtech nội địa và nước ngoài phải tìm ra mô hình khác biệt, phát triển bền vững, tập trung vào giá trị cốt lõi là chất lượng và trải nghiệm học tập cao, hiệu quả cho học sinh.


3- Đâu là những điểm khác biệt lớn Trước và Sau Covid-19 trong việc chuyển đổi số giáo dục?


Giai đoạn lockdown toàn dân ở nhà gần 1 tháng vì Covid-19 ở Việt Nam trong thời gian qua, đã tạo điều kiện "không thể tốt hơn" cho toàn ngành giáo dục triển khai chuyển đổi toàn diện từ trường tư thục tới trường công. Các thầy cô giáo giảng dạy trước máy quay, và các em học sinh ngồi học trước màn hình máy tính hoặc điện thoại. Đó là hiện tượng sẽ khó mà xảy ra sớm như vậy nếu không có Covid-19 buộc mọi người làm vậy. Những thói quen học trực tuyến được hình thành trong 1 tháng đó, sẽ phần nào bị ảnh hưởng và duy trì trong bối cảnh giờ đây các em học sinh đã tới trường học bình thường. Do đó, "trạng thái bình thường mới" được cho là nằm ở sự giao thoa linh hoạt giữa 2 hình thức học Online (học mọi lúc mọi nơi) và hình thức học Offline (gia tăng tính tương tác cao và duy trì động lực học tập).


4- Bạn đã thấy những giải pháp công nghệ sáng tạo đối mới ở startup Edtech nào mà có hiệu quả trực tiếp trong giai đoạn Covid-19 này?


Như quan điểm mình đã đề cập ở trên, đối với ngành giáo dục thì "KPI" chính là nằm ở tính hiệu quả của đào tạo, cụ thể là nằm ở tính linh hoạt và dễ dàng tiếp cận với cơ hội học tập từ đó tính tương tác và duy trì động lực học tập sẽ tạo ra kết quả cao trong việc đào tạo. Vì vậy, công nghệ dù sáng tạo hay tiên tiến tới đâu cũng sẽ là một mắt xích nằm trong đó, điều cần thêm nữa là tính tương tác giữa người học và người dạy, tạo môi trường duy trì đông lực học tập cho học sinh. Do đó chúng ta cần một giải pháp toàn diện kết hợp với nhau. Quan điểm và tầm nhìn này, là lý do mà quỹ đầu tư Genesia Ventures mình quyết định đầu tư vào startup Edtech tên là Manabie- công ty giáo dục mang tới trải nghiệm học tập kết hợp cả nền tảng học Online và trung tâm học Offline. Manabie không chỉ áp dụng linh hoạt yếu tố công nghệ để tối ưu hoá trải nghiệm và hiệu quả học tập cho các em học sinh K-12, mà còn rất chú tâm vào phát triển nội dung học chất lượng cao. Và mình tin là đây sẽ là hướng đi đúng đắn, bền vững cho startup Edtech ở thị trường Việt Nam hậu Covid-19.



Xin cám ơn các bạn đã kiên nhẫn dành thời gian Catchup với mình qua bài Daily Blog ngày hôm nay nhé! Xin chào và hẹn gặp lại các bạn vào ngày mai!


bottom of page