top of page
Tìm kiếm

Zunzun Review tháng 9/2023: Tổng hợp những bài học quan trọng và nổi bật trong tháng

Xin chào các bạn! Vậy là tháng thứ 9 của năm thoáng cái đã khép lại rồi! Các bạn đã có một tháng 9 như thế nào? Còn với tôi, thì thực sự tháng 9 của tôi có nhiều “sự di chuyển”. Cụ thể là tôi đã có chuyến công tác Indonesia, thay đổi chỗ ở mới sau 4 năm, chuyển sự tập trung hướng vào chất trong hoạt động chia sẻ nội dung, dành nhiều thời gian chất lượng hơn nữa, để học hỏi cùng với các startup của mình. Chính những sự dịch chuyển này đã mang lại cho tôi những bài học vô cùng quan trọng trong tháng vừa qua. Như mọi lần, mỗi cuối tháng tôi đều ngồi xuống nhìn lại hành trình trong tháng vừa qua để chắt lọc chọn ra những bài học nổi bật nhất. Hi vọng, các bạn dù bận rộn vẫn luôn có thể Zunzun Catchup một cách có ý nghĩa với tôi trong tháng 9 này nhé!


Suy nghĩ về “chiều sâu” cần được nhìn thấy ở chỉ số “bề nổi” GMV của startup ở giai đoạn sớm

Trong quá trình đồng hành với startup ở giai đoạn sớm, có thể nói một trong những chỉ số KPI thường xuyên được chúng tôi chia sẻ và thảo luận là, GMV - Gross Merchandise Volume. Đây là chỉ số top-line, thể hiện tổng giá trị giao dịch thành công mà startup với mô hình nền tảng kết nối bên Cung và bên Cầu, tạo ra được trong một khoảng thời gian quy định.

Là nhà sáng lập startup, khi bạn nhận được báo cáo kết quả kinh doanh trong tháng, với tổng giá trị giao dịch GMV tăng 20% so với tháng trước, thì điều đầu tiên bạn làm sẽ gì? Còn với tôi, với tư cách là nhà đầu tư startup, điều đầu tiên là tôi sẽ thử công thức hoá ra các thành tố của GMV, để tìm ra những yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng 20% GMV trong tháng đó. Không dừng lại ở bề mặt của một chỉ số top-line như GMV, tôi thường có thói quen “công thức hoá” nó, để tìm ra những “chiều sâu” quan trọng thực sự với startup ở giai đoạn sớm, giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Bài toán Startup Governance #1: Suy nghĩ về cái giá phải trả cho sự thiếu kỉ luật trong quản trị startup

Trong bối cảnh thường xuyên phải đối mặt áp lực tăng trưởng lớn, với kì vọng và cạnh tranh khốc liệt từ nhiều phía, khiến cho startup nói chung, đặc biệt là startup ở giai đoạn sớm, thường có xu hướng đặt nhiệm vụ quản trị doanh nghiệp ở vị trí ưu tiên thấp hơn nhiều nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, chứng kiến nhiều startup sao lãng nhiệm vụ này đã gặp phải sự tuột dốc khó có thể cữu vãn được, khiến tôi suy nghĩ nhiều về vai trò quan trọng Must-Have của quản trị. Để mở đầu cho chuỗi bài viết về đề tài này, tôi xin được giới thiệu về 2 case startup cho thấy cái giá phải trả khi thiếu kỉ luật trong quản trị doanh nghiệp.

Tôi tin rằng với startup, nếu có tầm nhìn phát triển dài hạn bền vững, thì quản trị doanh nghiệp (Corporate Governance), đặc biệt trong đó có kỷ luật trong duy trì những giá trị đạo đức của nhà sáng lập và đội ngũ, kỷ luật quản lý tài chính hiệu quả và minh bạch là những “nền móng” vô cùng quan trọng, ko thể thiếu. Nếu thiếu, thì startup sớm muộn cũng sẽ phải trả giá. Cái giá đắt nhất sẽ là gì? Startup phải dừng cuộc chơi? Nhà sáng lập phải đối mặt với kiện tụng, phơi bày các vấn đề khiến không thể vực dậy được uy tín của mình? Làm mất đi niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, vào con người của toàn bộ hệ sinh thái startup, và của cả quốc gia? Tôi sẽ để dành sự tưởng tượng về cái giá phải trả này dành cho các nhà sáng lập startup. Hi vọng, bài viết mở đầu này, chúng ta đều hiểu một điều quan trọng rằng: Quản trị startup đúng đắn là một điều Must-Have.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Bài toán Startup Governance #2: Giá trị có được từ sự kỉ luật trong quản trị startup

Nếu như ở bài viết trước tôi có đề cập về Bài toán Startup Governance #1: Suy nghĩ về cái giá phải trả cho sự thiếu kỉ luật trong quản trị startup, thì tiếp nối chuỗi bài viết trong series này, tôi muốn đào sâu chia sẻ về một cái “giá” đối nghịch - đó là giá trị startup có thể nhận được nếu như có sự quản trị doanh nghiệp tốt. Mà ở đó, tôi tin rằng, những giá trị này cần phải rất lớn, đủ lớn tới mức để tạo động lực mạnh mẽ cho startup thực hành kỉ luật quy trình quản trị trong doanh nghiệp mình. Vì vậy, tôi đã chia sẻ về những nguyên tắc nhiệm vụ và giá trị quan trọng mang tới cho startup sự kỉ luật trong quản trị doanh nghiệp

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Làm sao để kế hoạch tài chính có ý nghĩa thực sự với startup ở giai đoạn sớm khi gọi vốn?

Trong quá trình tiếp xúc với nhiều nhà sáng lập startup ở giai đoạn sớm đi gọi vốn, tôi nhận thấy có nhiều người phải loay hoay, dành rất nhiều thời gian với việc xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm dành cho startup của mình. Đặt trong bối cảnh có quá nhiều biến số với những thách thức và cơ hội đến rồi đi, những khúc cua với những lúc thăng-trầm, khiến tôi suy nghĩ lại rằng, việc kéo excel tạo bảng kế hoạch tài chính tới tận…5 năm, liệu có thực sự phù hợp? Làm sao để nó có ý nghĩa và cần thiết thực sự với startup?

Với tôi, với tư cách là nhà đầu tư, đi tìm startup tiềm năng để đầu tư và cam kết đồng hành phát triển lâu dài, thì tôi mong muốn được nhìn thấy một bản kế hoạch tài chính có chiều sâu - trong việc cho thấy cho thấy được sense - tư duy kinh doanh nhạy bén, có tầm nhìn và thực tế của nhà sáng lập. Cụ thể hơn nữa, là cho thấy quá trình tiến hoá phát triển của startup theo thời gian, tính có thể thay đổi (changeability) trong dòng sản phẩm, thị trường và phân khúc cận biên, cơ cấu chi phí, nguồn vốn bổ sung,…trong một khung thời gian dự phóng thực thế hơn.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Financial Projection: Chia sẻ về phương pháp hiệu quả dự phóng tăng trưởng cho startup

Sau khi đọc bài viết gần đây của tôi về "Làm sao để kế hoạch tài chính có ý nghĩa thực sự với startup ở giai đoạn sớm khi gọi vốn?" có nhiều nhà sáng sáng lập đã rất đồng cảm và chia sẻ với tôi về thách thức của họ trong việc cân bằng giữa tham vọng và tính thực tế khi dự phóng tăng trưởng. Việc không cân bằng tốt được 2 yếu tố này, khiến các nhà sáng lập có thể bị nhìn nhận là “bay bay” thiếu thực tế, ngây thơ với những con số dự phóng quá lạc quan, hoặc bị coi là không có tư duy của một startup có thể mở rộng với những con số dự phóng quá khiêm tốn. Liệu có phương pháp dự phóng nào khắc phục được việc này không?

Nguyên tắc cho việc lập bảng dự phóng tăng trưởng, cần phải có sự cân bằng giữa tính thực tế và tính tham vọng, giữa tầm nhìn dài hạn và ngắn hạn, kết hợp của các yếu tố bên ngoài và bên trong, của ngoại lực và nội lực. Để có thể cân bằng được những yếu tố này, startup có thể tiếp cận phương pháp dự phóng Top-down (Từ trên xuống) và Bottom-up (Từ dưới lên) khi dự phóng tăng trưởng trong tầm nhìn dài ngắn - trung và dài hạn.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


FOCUS: Suy nghĩ về sự tập trung thực sự của nhà sáng lập startup

Vừa qua, tôi có dịp được ngồi nói chuyện với một nhà sáng lập startup khiến tôi có nhiều suy nghĩ về sự tập trung cần có, một cách chiến lược và kỉ luật, cho thấy sự kiên định thực sự khi khởi sự startup. Nếu không có những điều này, các nhà sáng lập dễ bị rơi vào cái bẫy của “Hội chứng đối tượng hào nhoáng”, theo đuổi nhiều cơ hội cùng một lúc, khiến mọi thứ dễ bị “hời hợt”, thiếu chiều sâu, dễ thay đồi và cũng khó đạt được thành công lớn thực sự trong dài hạn. Do đó hơn bao giờ hết, nhà sáng lập thực sự cần phải giữ cái đầu lạnh tránh để bị phân tâm bởi các cám dỗ xung quanh, biết rõ mục tiêu cuối cùng cần hướng đến của mình, và luôn giữ sự tập trung một cách chiến lược, hướng tới mục tiêu đó.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Thấm thía câu nói của nhà đầu tư: “Đã nhiều năm qua tôi không được nhận báo cáo đều đặn của startup”

Buổi thảo luận chia sẻ với một nhà đầu tư trong khu vực vừa qua, khiến tôi có nhiều suy nghĩ đau đáu và thấm thía. Anh ấy chia sẻ việc mất niềm tin với một startup, khi đã nhiều năm qua anh không được nhận báo cáo kết quả kinh doanh (KPIs) của startup đó. Thế rồi, vào đúng lúc tình hình khó khăn như lúc này, khi startup không thể tự gồng gành được hơn nữa, cũng là lúc startup cần nhà đầu tư của mình cùng vào hỗ trợ tài chính nhất. Nhưng rất tiếc startup đó đã không thể tiếp tục gọi được vốn, và cũng không thể có được nhà đầu tư nào bên cạnh tin tưởng. Tôi có thể cảm nhận được sự bất lực, và cô độc của nhà sáng lập trong hoàn cảnh này. Họ đã thực sự bị cô độc trong hành trình đi tìm và giữ lấy niềm tin của mọi người vào mình. Đây là một sự thật rất nghiệt ngã trong hoạt động đầu tư startup: Đến vì niềm tin và ra đi cũng vì niềm tin đó không còn.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Chiêm nghiệm về nguyên lý “Nước lên thì thuyền lên” giúp startup phát triển bền vững

Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, tôi có dịp được ngồi thảo luận vô cùng sâu sắc với một nhà sáng lập có nhiều năm kinh nghiệm. Chúng tôi đã chia sẻ về những điều quan trọng giúp startup phát triển bền vững thực sự. Trong đó, có một điểm khiến tôi ấn tượng nhất, đó là khách hàng có thực sự tốt hơn khi sử dụng sản phẩm của startup không? Với nguyên lý đơn giản: “Nước lên thì thuyền lên”. Sẽ không có startup nào có thể bền vững phát triển, nếu như khách hàng của mình không trở nên tốt hơn và phát triển cùng với mình. Do đó, tôi đã chia sẻ một vài suy nghĩ chiêm nghiệm của mình về vai trò quan trọng của nguyên lý “Nước lên thì thuyền lên” trong việc lựa chọn phân khúc khách hàng và giá trị mang lại cho họ qua sản phẩm của startup.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Hiệu ứng Dunning-Kruger: Bạn và startup đang ở đâu trong đường cong nhận thức của mình?

Là một VC, tôi được sống và làm việc trong một thế giới mà ở đó mọi người đều cố gắng cho thấy sự hiểu biết và sự tự tin trong công việc và hoạt động kinh doanh của mình. Trong thế giới startup - VC nói riêng, thật ra tôi nhận ra mỗi cá nhân ai cũng có thể là “nạn nhân” của thiên kiến nhận thức khi mà kinh nghiệm chưa “tới”. Đây thường hay gọi là hiệu ứng Dunning Kruger. Cụ thể với những biểu hiện như: Đánh giá quá cao kỹ năng, năng lực của mình; Tự tin thái quá về bản thân, và không thể nhận ra sự thiếu sót của mình. Không chỉ dừng lại với các cá nhân, bản thân các startup cũng vậy. Ở giai đoạn đầu của một công ty khởi nghiệp, hay đơn giản là khi mới bắt đầu một dự án nào đó, khi chưa có nhiều “dữ liệu kinh nghiệm” tích luỹ để có sự hiểu biết đầy đủ, startup thường có xu hướng rất tự tin, đôi khi là tự tin thái quá, khiến chúng ta dễ đánh giá sai tình hình, đưa ra quyết định thiếu sáng suốt.

Tôi tin rằng mỗi cá nhân hay startup ở giai đoạn sớm trong hành trình của mình, khi sự tự tin đó bị đẩy lên quá cao, lại kết hợp với sự tung hô lớn từ phía bên ngoài, trong khi năng lực thực tế lại không bằng, thì đó là điều cự kì nguy hiểm. Nó sẽ khiến chúng ta dễ bị “ảo tưởng sức mạnh”, nghĩ mình là giỏi nhất những người khác thì không bằng, ngạo mạn, hài lòng với “đỉnh cao trí tuệ” đó của mình mà không tiếp tục trau dồi hoàn thiện hơn nữa.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Xin cám ơn và tạm biệt tháng 9 bận rộn với rất nhiều bài học quan trọng và ý nghĩa nhé! Đặc biệt, tôi xin phép được lấy bài học cuối bài làm câu kết cho bài Monthly Review lần này nhé! Tôi thực sự luôn mong muốn mình tỉnh táo, biết mình đang ở đâu trong đường cong nhận thức từ hiệu ứng Dunning–Kruger, tập trung vào những điều quan trọng nhất, khiêm tốn học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm hơn nữa, để có thể tối ưu được hành trình phát triển của mình. Yeah, các bạn hãy cùng tôi " Just keep fighting!" cho điều này trong tháng 10 này nhé!

bottom of page