top of page
Tìm kiếm

Bài học từ 2 cuộc khủng hoảng trước: Startup Việt đã sẵn sàng cho những cơ hội mới hậu Covid-19?


Thứ 6 ngày 31/7/2020 tôi thức dậy vào buổi sáng đón nhận tin tức không mấy tích cực: thêm 45 người nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng, Tp HCM nơi tôi đang sống chính thức ngày đầu tiên bước vào giãn cách xã hội trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19. Cả bầu trời thành phố phủ đầy mây xám theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Như mọi sáng thứ 6 hàng tuần, tôi đều tham gia học trực tuyến Stanford University Continuing Studies với khoá học tên là Building a Better Business Model (Xây dựng mô hình kinh doanh ưu việt hơn trong thời đại mới). Tôi có 3 lý do chính cho việc tiếp tục học dù đã ra trường đi làm từ lâu, đó là mong muốn duy trì tư thế học tập kiến thức mới, và sự phát triển của công nghệ học trực tuyến đã cho phép tôi vừa đi làm vừa học, học mọi lúc mọi nơi, dù khoá học cách xa nửa bán cầu. Và lý do thứ 3 là, quỹ đầu tư Genesia Ventures nơi tôi làm việc với tư cách là nhà đầu tư khởi nghiệp, đã đầu tư vào một công ty Edtech (công nghệ giáo dục) ở Việt Nam tên là Manabie, việc tôi thực tế trải nghiệm học trực tuyến sẽ giúp mình có thể hiểu và hỗ trợ Manabie phát triển sản phẩm tốt hơn nữa.


Quay trở lại buổi học trực tuyến của Stanford hôm qua, buổi học trực tuyến của chúng tôi diễn ra trên ứng dụng Zoom. Nếu không trực tiếp tham gia học tập hay họp trực tuyến trên ứng dụng này, chắc tôi sẽ chỉ nhớ tới làn sóng chỉ trích Zoom đợt tháng 4 vừa qua về vấn đề bảo mật an ninh. Nhờ phản ứng nhanh nhạy của Zoom với bản kế hoạch cải thiện sản phẩm trong 90 ngày từ ngày 1/4, nay Zoom đã trở lại hoàn thiện tốt hơn với vấn đề bảo mật và với 100 tính năng mới. Tôi đã rất bất ngờ với trải nghiệm gần nhất học trực tuyến trên Zoom: thầy giáo gửi câu hỏi với các đáp án chọn mọi lúc mọi nơi để tương tác với học viên (và ngầm kiểm tra rằng học viên có đang tập trung bài giảng hay không), lớp học có thể chia nhóm 3~4 người riêng ra để thảo luận nhóm với tính năng Breakout Room.

Ở phần thảo luận nhóm này, tôi được ghép nhóm với 2 người, một người ở Ấn Độ và một người ở Silicon Valley. Chúng tôi đã cùng thảo luận về lĩnh vực nào với sản phẩm gì trong 10~15 năm nữa sẽ là Dominant Design- thiết kế ưu việt dẫn dắt thế giới. Buổi thảo luận này đã nhanh chóng khiến tôi bị cuốn vào với đầy sự hào hứng khi nghĩ về tương lai, tạm quên đi những tin tức không mấy tích cực của dịch bệnh của khủng hoảng của hiện tại.

Tôi đã nhận ra rằng: Hôm qua có thể là ngày mây u, hôm nay có thể là ngày mưa tầm tã, nhưng ngày mai nắng sẽ lên. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu ta tập trung vào những mặt tích cực và luôn tìm kiếm cơ hội mới. Đó là quy luật chung, và tất nhiên startup cũng không nằm ngoài quy luật này.


Dưới đây là những bài học từ 2 cuộc khoảng trong quá khứ, chứng minh cho quy luật trên, dành cho những ai đã-đang-sẽ dấn thân vào hệ sinh thái Startup Việt Nam:


"Những anh tài" startup sinh ra từ khó khăn


Thế giới chúng ta đã từng bước qua 2 cuộc khủng hoảng: Bong bóng Dotcom (2001-2002) và khủng hoảng Tài chính (2008-2009).

Trong 2 cuộc khủng hoảng này, thực tế khó khăn chung không chỉ với startup mà còn cả với các quỹ đầu tư (VC). Theo Startup Genome, tổng số vốn đầu tư toàn cầu từ VC giảm sâu lần lượt là 21.6% và 26.3% trong 2 cuộc khủng hoảng, tương đương với mức giảm vốn tổng cộng là 86.4 tỉ USD. Nhưng rất nhanh sau đó, với khủng hoảng Bong bóng Dotcom cần 2 năm, với khủng hoảng Tài chính chỉ cần 1 năm để số vốn đầu tư từ VC vào startup khởi sắc trở lại.




Hai giai đoạn "nốt trầm" của hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới này đã tôi luyện bản lĩnh cho các startup, trong bối cảnh số tiền đầu tư nhận được ít hơn với định giá thấp hơn, các công ty startup không còn cách nào khác phải tôi ưu hoá dòng tiền của mình, tập trung hoạt động hiệu quả hơn.

Những khó khăn từ khủng hoảng Tài chính đã kéo theo kinh tế toàn cầu đi xuống, nhưng từ đó đã sinh ra một xu hướng kinh tế mới: Kinh tế chia sẻ. Ở đó những tài sản nhàn rỗi được tối ưu hoá hơn và chia sẻ tới những người cần nó với mức giá rẻ hơn. Airbnb- nền tảng chia sẻ phòng lưu trú lớn nhất thế giới, được ra đời khi các nhà sáng lập gặp khó khăn với tiền thuê phòng đắt đỏ ở thung lũng Silicon.

Cùng với đó, theo Kaufmann Foundation, tại Mỹ các doanh nghiệp mới mọc lên với tốc độ 60.000/tháng trong năm 2009 ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính, so với 40.000/ tháng trong năm 2007- trước khủng hoảng.

Kết quả là, giờ đây hơn một nửa số công ty lọt vào danh sách Fortune 500 được sinh ra từ những giai đoạn khó khăn này, và hơn 50 unicorn công nghệ với tổng giá trị là 145.2 tỉ USD được sinh ra từ giai đoạn khủng hoảng những năm 2007-2009.

Ví dụ tiêu biểu:

  • Twilio đã gọi US$600,000 vòng hạt giống vào tháng 3, 2009

  • Airbnb đã gọi US$600,000 vòng hạt giống vào tháng 4, 2009

  • Uber đã gọi US$250,000 vòng hạt giống vào tháng 8, 2009

Vậy tiếp theo, với cuộc khủng hoảng Covid-19 này, các nhà sáng lập Việt đã sẵn sàng cho những cơ hội mới này? Hãy đón đọc tiếp theo đây để tìm thêm động lực và gợi ý cho mình nhé!


Sứ mệnh mới của startup trong khủng hoảng


Mỗi cuộc khủng hoảng đi qua đều để lại những khó khăn lớn mang tính toàn cầu như: mất việc, giảm thu nhập, đời sống đi xuống. Không khó cho chúng ta bắt gặp các tiêu đề nhiều công ty cắt giảm nhân sự, từ các công ty lớn cho tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty startup gần đây.




Theo Kauffman Foundation, trong cuộc khủng hoảng Tài chính năm 2008-2009, các công ty với tuổi đời 0~5 năm đóng góp vào việc tạo ra việc làm mới nhiều hơn các công ty lâu năm.

Không thể phủ nhận, startup chính là một trong những động lực tạo ra việc làm mới, bù đắp lại những mất mát từ cuộc khủng hoảng đi qua.


Mỗi một startup sinh ra đều mang cho mình một sứ mệnh cao cả, đó là giải quyết một vấn đề quan trọng nào đó, nhưng những startup sinh ra từ khủng hoảng (recession-based startups) lại mang cho mình thêm một sứ mệnh nữa đó là: tạo ra thêm nhiều việc làm mới, góp phần lấy lại đà tăng tưởng cho nền kinh tế thế giới.


Chìa khoá mở ra những cơ hội mới cho startup hậu khủng hoảng Covid-19


Mỗi một cuộc khủng khoảng tới gây ra sự xáo động, gây ra sự sắp xếp lại đột ngột của nền kinh tế. Những mô hình trước khủng hoảng sẽ có thể bộc lộ những điểm yếu, tạo tiền đề cho những mô hình mới hình thành, ưu việt hơn, phù hợp hơn trong thế giới hậu khủng hoảng.


Từ 2 cuộc khủng hoảng đề cập ở trên, ta có thể học hỏi được những đặc tính cần thiết cho một Dominant Design/Model - thiết kế/mô hình ưu việt cho thời đại mới như sau:

  • Mô hình mới cần ưu việt hơn mô hình cũ ở việc làm gia tăng hơn doanh thu, giảm chi phí, tạo ra trào lưu mới. Như ở cách Google đi lên từ bong bóng Dotcom, Google đã không chỉ thay đổi cách chúng ta tìm kiếm thông tin tiện lợi hơn, mà còn thay đổi cả cách nhà làm quảng cáo trả tiền cho sự nhận diện của mình bằng cách trả trên mỗi cú nhấp chuột (pay per click). Mô hình quảng cáo dựa trên kết quả tìm kiếm này cho tới ngày nay vẫn là cỗ máy kiếm tiền khổng lồ của Google.


  • Mô hình cần phù hợp với túi tiền đang giảm của người tiêu dùng sau khủng hoảng. Ví dụ, mô hình “freemium” (dùng miễn phí) đã được sinh ra từ khủng hoảng bong bóng Dotcom năm 2001. Hoặc mô hình kinh tế chia sẻ, làm giảm chi phí đầu vào cho người dùng bằng việc sử dụng nguồn tài sản chia sẻ: ô tô (Uber), nhà ở (Airbnb), văn phòng (WeWork) đã được cất cánh từ khủng hoảng Tài chính năm 2008-2009.


  • Mô hình cần tạo tính kết nối. Vì càng trong khủng hoảng, con người càng cần sự kết nối. Không thể phủ nhận, khủng hoảng Covid-19 này đã làm gia tăng các nền tảng trực tuyến kết nối con người, thay đổi triệt để cách chúng ta tương tác, giao tiếp, làm việc, và học tập. Câu chuyện về khoá học trực tuyến ở Stanford trên của tôi cũng là một trong những ví dụ thực tế cho việc mô hình đào tạo trực tuyến đã giúp tôi kết nối tri thức với nhiều người khác nhau ở mọi không gian và thời gian.


  • Mô hình kinh doanh startup cần chứng minh sản phẩm phù hợp với thị trường với chi phí thấp nhất. Đó là tiền đề để startup sống sót qua mùa đông gọi vốn 2020, và gọi vốn từ VC được khi mùa xuân 2021 tới để startup cất cánh.

Những bài học rút ra từ 2 cuộc khủng hoảng trên, quay trở lại với câu hỏi đề bài viết: Startup Việt đã sẵn sàng cho những cơ hội mới hậu Covid-19? Sự sẵn sàng này có được hay không sẽ nằm ở lý trí tìm những bài học giá trị từ quá khứ, tư thế tích cực tìm đón những cơ hội mới trong sự biến động và tìm ra những động lực khởi tạo cái mới từ khủng hoảng. Đừng để cuộc khủng hoảng Covid-19 này đi qua một cách lãng phí. Với tư cách là nhà đầu tư khởi nghiệp, tôi rất hi vọng sẽ nhanh thôi, sắp tới sẽ chứng kiến những mầm non startup vươn lên, tạo ra động lực phát triển mới cho đất nước Việt Nam mình.


bottom of page