top of page
Tìm kiếm

Inner Strength: Suy nghĩ về xây dựng sức mạnh nội tại của cá nhân và startup

Xin chào các bạn!

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày này năm ngoái tôi còn chia sẻ về tầm nhìn thập kỷ với nghề VC trong ngày sinh nhật bước sang tuổi 30 của mình, thì nay đã tôi đã đi hết 1 năm của tầm nhìn đó. Đứng trước những dấu mốc quan trọng này, tôi thường dành thời gian để ngồi lại chiêm nghiệm tìm cho mình những bài học quan trọng để lấy đó làm hành trang đi tiếp hành trình bền bỉ của mình. Trong rất nhiều bài học tôi có được vừa qua, có một bài học khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, đó là Inner Strength - Sức mạnh nội tại của cả cá nhân và startup.


Trong lần trò chuyện với anh Takahiro Suzuki - General Partner của quỹ Genesia Ventures chúng tôi, anh có chia sẻ, nghề VC này thật ra tuổi đời không dài, khi anh thực tế chứng kiến rất nhiều người làm nghề khoảng 2~3 năm là thấy chán và từ bỏ khi không có đủ kiên nhẫn để xây dựng thành tựu đầu tư thực sự. Bản thân anh cũng mất hơn 10 năm từ ngày đầu tiên đầu tư vào Tokopedia năm 2011, để được nhận trái ngọt khi công ty GoTo (kết hợp của Tokopedia và Gojek) IPO thành công vào đầu Quý 2 năm nay với giá trị vốn hoá khi niêm yết là 28 tỉ USD. Có lẽ đó là lý do vì sao, anh ấy đã thiết kế tổ chức quỹ với một tầm nhìn dài hạn cho mỗi cá nhân nhà đầu tư chúng tôi, một cách rất đặc biệt. Đầu tiên, là đưa ra những điều kiện thăng chức, thưởng phạt rất rõ ràng, rất thách thức sự kiên nhẫn, bền bỉ, và cam kết thực sự của mọi người trong quỹ. Thứ hai, đó là dù ở bất kỳ một vị trí nào từ thấp tới cao, mỗi cá nhân phải tự xây dựng sức mạnh nội tại, bằng chính thực lực, kiên thức, kinh nghiệm và uy tín của mình để có thể tự dẫn dắt các thương vụ đầu tư startup về cho quỹ.


Mặt khác, gần đây tôi có một buổi trò chuyện đầy trăn trở với một nhà sáng lập startup. Trong buổi ngồi nói chuyện đó, tôi có chia sẻ đầy thẳng thắng và chân thành góc nhìn của mình, là bây giờ startup đó không nên dành thời gian để gọi vốn, mà nên ưu tiên thời gian tập trung xây dựng sức mạnh nội tại của doanh nghiệp mình trước. Chúng ta cần phải dũng cảm thẳng thắn thừa nhận rằng, đã có thời điểm startup và toàn hệ sinh thái bị “lâng lâng, bay bay” với nhiều tin tức tung hô gọi vốn “thành công”, mà không đủ đỉnh táo để đặt ra câu hỏi quan trọng hơn cả là: Liệu dòng vốn đó có được sử dụng thực sự hiệu quả? Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều "Zombie startup" trên thế giới trong thập kỷ vừa qua, trong đó case điển hình là WeWork. Đây là tên gọi dùng để chỉ những công ty liên tục huy động tiền, tập trung nhiều vào nhà đầu tư hơn là khách hàng. Họ tạo ra doanh thu vừa đủ để bù đắp chi phí hoạt động nhưng không đủ để tạo ra lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư. Thực tế vẫn còn nhiều nhà sáng lập coi việc gọi được vốn là đơn giản cơ hội phải chớp lấy luôn, là thành công, là được ghi nhận, hoặc tệ hơn là đưa mình vào thế, coi gọi vốn là “thuốc” để cứu sống startup mình. Gọi vốn, không phải là “liều thuốc” có thể cứu chữa được một startup, nếu đặt sai thời điểm - khi startup không có những nền tảng cơ bản, sức mạnh nội tại cũng như đã định hình được “công thức để thắng” trong thị trường. Vì tiền có thể được sử dụng để che giấu những hạn chế này trong một khoảng thời gian, nhưng thường chỉ làm tăng vấn đề theo thời gian và không thể cứu được một startup ngày càng sa sút, vốn dĩ hoạt động kém hiệu quả. Các nhà sáng lập thông minh bản lĩnh, sẽ là người tập trung giải quyết những hạn chế đó trước, xây dựng nền tảng và sức mạnh nội tại rồi tiếp đến mới là tận dụng dòng vốn huy động được. Chỉ khi làm được như vậy, gọi vốn mới thực sự phát huy đúng như vai trò của nó, đó là một đòn bẩy cho sự phát triển doanh nghiệp, một cách hiệu quả và bứt phá.


Tầm nhìn - nền tảng cần thiết đầu tiên để xây dựng sức mạnh nội tại của cá nhân và startup


Đầu tiên đó là Vision - tầm nhìn. Có lẽ có nhiều người khi đọc tới đây thấy điều này nghe thật viển vông, lý thuyết, nhưng đây chính là nền móng đầu tiên để xây dựng sức mạnh nội tại của bất kỳ cá nhân và tổ chức nào. Tại sao bạn và startup của bạn tồn tại? Điều gì thực sự ý nghĩa là động lực mạnh mẽ khiến bạn, và đồng đội của mình thức dậy sớm mỗi ngày làm việc tới tối muộn? Điều gì khiến bạn luôn trăn trở đau đáu muốn thực hiện bằng được, cho dù có nhiều khó khăn trước mặt? Trả lời được những câu hỏi này càng rõ ràng bao nhiêu, thì các nhà sáng lập sẽ càng nhìn thấy rõ hướng đi, các mục tiêu dài hạn, và hành động thiết thực nhất quán xoay quanh tầm nhìn đó, từ việc phát triển bản thân, tới phát triển sản phẩm, tuyển dụng, gọi vốn của startup…Sau đó, việc tiếp theo là chúng ta cần tạo kết nối tầm nhìn đó một cách sâu sắc tới những người xung quanh quan trọng của mình. Nếu là cá nhân thì sẽ cần kết nối với gia đình, với đồng nghiệp, bạn bè, đối tác xung quanh. Nếu là startup thì sẽ cần kết nối tầm nhìn đó với chính khách hàng, nhân viên và các nhà đầu tư của mình. Tầm nhìn này sẽ giúp chúng ta có một động lực sâu sắc nhất, để chúng ta vượt qua được những khó khăn thử thách, những bộn bề, hay chậm chí là những “cám dỗ” trong suốt hành trình hướng tới mục tiêu đó.


Trong buổi Founders Gathering Dinner vào tháng 9 vừa qua, với sự tham gia của các nhà sáng lập startup mà quỹ chúng tôi đầu tư và đồng hành ở Việt Nam. Tôi với vai trò là người dẫn chương trình buổi hôm đó, đã khuyến khích mọi người chia sẻ về đề tài xây dựng sức mạnh nội tại cho startup của mình. Buổi hôm đó diễn ra vô cùng ý nghĩa, có rất nhiều những nụ cười, tràng pháo tay hưởng ứng cũng như cả những giọt nước mắt. Trong đó, phần chia sẻ đầu tiên đến từ anh Nguyễn Hải Ninh - Cofounder & CEO của M Village làm tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc. Anh chia sẻ, anh luôn có tầm nhìn rõ ràng, khi đứng trước nhiều khó khăn thì tầm nhìn đó cùng với câu hỏi vì sao mình lại bắt đầu, luôn hiện ra để anh tiếp tục bước tiếp. Đồng thời, anh cũng rất tích cực chia sẻ tầm nhìn đó của mình với mọi người xung quanh, hay thậm chí trong cả các bài phỏng vấn báo trí truyền thông. Với anh, tầm nhìn anh muốn gửi gắm thông qua M Village đó là muốn định nghĩa lại "cách sống hạnh phúc" của người trẻ, nơi ở sẽ là nơi mà “không chỉ gói gọn ở bốn bức tường”, mà đó sẽ là nơi ngập tràn cảm hứng sống tích cực, với sự kết nối cộng đồng ý nghĩa, có sự giao lưu văn hoá đa dạng, tất cả đều giúp nâng tầm chất lượng và giá trị cuộc sống cho mỗi cư dân tại M Village.


Tiếp theo là sự kỷ luật nhất quán theo đuổi tầm nhìn đó


Tôi có tìm thấy một concept rất ý nghĩa trong cuốn sách Good To Great của Jim Collins như dưới đây, mà tôi tin rằng concept này nhìn chung không chỉ áp dụng được cho startup mà còn có thể áp dụng được cho cả cá nhân trong việc xây dựng sức mạnh nội tại để có thể bứt phá, phát triển trong tầm nhìn dài hạn. Ở đây, tác giả Jim Collins nhấn mạnh vào 3 thành tố quan trọng nhất đó là: Disciplined people - Con người kỉ luật, Disciplined thought - Suy nghĩ kỷ luật và Disciplined action - Hành động kỷ luật. Là doanh nghiệp, thì sẽ cần có đúng người vào đúng vị trí, với đúng tinh thần lãnh đạo tổ chức. Tiếp theo, là cần mang theo suy nghĩ kỉ luật, nhất quán với việc sẵn sàng đối mặt với thực tế dù là khốc liệt nhất, trong khi không đánh mất niềm tin và tầm nhìn của mình. Giống như một chú Nhím, có thể làm tốt một điều - cuộn tròn như một quả bóng để tự bảo vệ mình. Nhím không để mình sa lầy vào sự phức tạp. Tất cả những gì Nhím thấy là một mục tiêu duy nhất và họ thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Startup cũng vậy, sẽ cố gắng làm những gì họ giỏi nhất và tránh bị phân tâm khỏi những mục tiêu của mình. Cuối cùng, là cần hành động nhất quán, trong một văn hoá tổ chức có kỷ luật, hoạt động có hiệu quả nhờ tận dụng công nghệ làm đòn bẩy. Chính 3 yếu tố này là động lực quan trọng để tạo ra hiệu ứng “Bánh đà” để đưa công ty có thể phát triển bứt phá. Có thể công ty sẽ cần nhiều năm bền bỉ, nhất quán để đưa bánh đà tăng tốc, nhưng một khi bánh đà đã quay và tăng tốc, công ty có thể duy trì hiệu suất đột phá trong một khoảng thời gian dài.


Đây cũng chính là concept mà tôi đã áp dụng để xây dựng “Bánh đà” cho sự nghiệp VC nói chung, cũng như hoạt động viết blog về khởi nghiệp của mình nói riêng qua trang zunzunstartups này. Tất cả đều bằng sự kỷ luật với chính bản thân mình, kỷ luật từ trong suy nghĩ, tới hành động bền bỉ và tập trung, để có thể từ từ dịch chuyển được “bánh đà” bắt đầu quay chầm chậm trong hơn 3.5 năm vừa qua. Những ngày đầu có thể không có nhiều nhà sáng lập startup chọn tôi vì tôi là người mới, chức vụ còn thấp bé nhưng nay đã có nhà sáng lập tin tưởng chọn tôi làm nhà đầu tư dẫn dắt, và quỹ cũng tin tưởng cho tôi dẫn dắt đầu tư được vào 8 startup tại thị trường Việt Nam tới nay. Hay những ngày đầu không có nhiều người hưởng ứng đọc các bài blog về khởi nghiệp của tôi, nhưng tới nay sau nhiều năm tháng bền bỉ kỷ luật ra bài đều đặn, đã có nhiều nhà sáng lập startup, anh chị em báo chí truyền thông, các các nhân tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đón đọc và ủng hộ các bài viết của tôi. Tôi sẽ cần cố gắng hơn nữa, bền bỉ và kỷ luật hơn nữa để tiếp tục đưa “bánh đà" quay thêm, để mình có thể đạt được tới giai đoạn bứt phá, thành công một cách dài hạn bền vững.


Tìm ra công thức để thắng để hướng tới mục tiêu trong tầm nhìn đó


Trong bài blog trước đó của tôi về Good Money & Bad Money, tôi có chia sẻ việc startup ở giai đoạn sớm không nên vội vàng gọi vốn quá nhiều, phụ thuộc và đốt quá nhiều tiền từ gọi vốn, khi công ty chưa đạt được “chiến lược để thắng” bao gồm: Sản phẩm phù hợp với thị trường (PMF: Product Market Fit), Mô hình tăng trưởng có thể tạo ra lợi nhuận bền vững (Profitable Growth Model), Quy trình vận hành có thể mở rộng (Scalable Operation). Số tiền gọi vốn sẽ là bội số, là số nhân của những điều tốt hoặc điều xấu ở startup khi được sử dụng vào các hoạt động hiệu quả hay không hiệu quả. Và một khi khi chiến lược để thắng chưa trở nên rõ ràng trong giai đoạn đầu của startup, cả nhà sáng lập và các nhà đầu tư với Good money, sẽ cần kiên nhẫn, không đặt áp lực tăng trưởng nhanh bằng mọi giá, nhưng cần phải “không kiên nhẫn” với việc công ty phải vạch ra một chiến lược khả thi càng nhanh và càng ít đầu tư càng tốt.


BuyMed - startup cung cấp nền tảng phân phối dược phẩm cho các nhà thuốc tại Việt Nam với tên dịch vụ là thuocsi.vn - có lẽ là cái tên không quá xa lạ với các bạn độc giả thường xuyên của zunzunstartups, vì tôi đã từng giới thiệu BuyMed là case study trong bài viết về hành trình bền bỉ và kỷ luật đi tìm PMF của mình, khi đã dành 1.5 năm đầu tiên để tìm thấy PMF trên tập người dùng Early Adopter, và gần 3 năm kể từ ngày thành lập, để tìm thấy PMF trên tập người dùng Early Majority. Hiện nay, BuyMed có hơn 18,000 nhà thuốc khắp cả nước đang sử dụng hàng tháng (trên tổng cộng hơn 60,000 nhà thuốc độc lập hoạt động trên thị trường tại Việt Nam); trong đó hơn 90% khách hàng của BuyMed tiếp tục đặt hàng vào tháng tiếp theo; %Monthly churn customers (% số khách hàng dừng sử dụng dịch vụ hàng tháng) giảm từ hơn 30% xuống còn khoảng 10%; EBITDA Margin (Biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay & khấu hao) liên tục được cải thiện nâng cao, giúp startup này tiến gần tới điểm có lãi trong thời gian ngắn. Và công thức để thắng của BuyMed để đạt được những kết quả tích cực trên, đó là nằm ở việc BuyMed đã xây dựng được mô hình kinh doanh và vận hành phù hợp có thể mở rộng hiệu quả được trong khi liên tục đạt được PMF trên từng tập khách hàng mục tiêu. Cụ thể, một trong những “công thức” này, nằm ở Cash conversion cycle - là tốc độ xoay vòng tiền mặt của BuyMed luôn âm. Hiểu một cách đơn giản là, BuyMed có dòng tiền vào đến trước dòng tiền ra - thường thì đây là trạng thái vô cùng lý tưởng, nhưng rất hiếm gặp của doanh nghiệp, khi có thể xoay vòng tiền nhanh để tái đầu tư mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Tôi tin rằng, với việc kiên trì bền bỉ nỗ lực sáng tạo trong việc thiết kế nên công thức để thắng của mình, đã tạo cho BuyMed rất nhiều lợi thế để tiếp tục phát triển bền vững, dù trong bối cảnh thị trường gọi vốn cũng như kinh tế vĩ mô khó khăn như hiện nay. Từ case BuyMed, tôi cũng được truyền cảm hứng rất nhiều trong việc đi tìm cho mình “công thức để thắng” để xây dựng được sức mạnh nội tại, hướng đến thành công với nghề VC một cách bền vững nhất.


Trên đây là những chia sẻ tâm huyết, là những chiêm nghiệm nhân ngày đặc biệt của tôi hôm nay, về những điều quan trọng để xây dựng nên sức mạnh nội tại của cá nhân và startup. Hi vọng, bài viết này sẽ tiếp thêm động lực cho mỗi cá nhân và startup chúng ta trong hành trình bền bỉ xây dựng nên sức mạnh từ bên trong thực sự, để mình luôn đứng vững trước mọi hoàn cảnh khó khăn, tạo dựng sự thành công bền vững, để tiếp tục theo đuổi tầm nhìn mang lại giá trị cho cộng đồng của mình. Xin cám ơn mọi người đã luôn ủng hộ và đồng hành với tôi trên hành trình này nhé!


Tài liệu tham khảo:

bottom of page