top of page
Tìm kiếm

Phụ nữ Việt: Những rào cản cần phá bỏ và hành trang cần có trên hành trình startup


Tuần trước, sau buổi họp với một startup bên quỹ tôi đầu tư, một chị lãnh đạo đã ghé vào tai tôi và nói: "Chị có linh cảm sau này em sẽ startup". Câu nói này khiến tôi bất ngờ và vui, vì chị ấy là người đã hiểu được tâm huyết máu lửa, và tình yêu không giới hạn của tôi với startup. Nhưng câu nói này cũng khiến tôi trăn trở rất nhiều. Bởi vì startup vốn đã là cuộc chiến sinh tử quá khốc liệt, vốn được coi là cuộc chiến chỉ nên dành cho phái mạnh. Tôi tự hỏi, là nữ giới, nếu có sự lựa chọn làm startup, liệu tôi có dám? Là nhà đầu tư startup, trước những startup do phụ nữ là sáng lập hay lãnh đạo, tôi luôn đặc biệt dành cho họ sự ngưỡng mộ và trân trọng, vì với tôi họ thật dũng cảm, họ đang làm những điều mà không phải ai cũng dám làm.


Cũng tuần trước, tôi được mời tham gia phiên thảo luận trong lễ khai mạc EMPOWER- chương trình hỗ trợ phụ nữ Việt khởi nghiệp do Zone Startups Việt Nam tổ chức. Trong phiên thảo luận, tôi và các khách mời khác đã tham gia chia sẻ tích cực về những góc nhìn thú vị khác nhau, để đưa đến mục tiêu chung là làm sao để hệ sinh thái startup Việt Nam có thêm thật nhiều startup do nữ giới tham gia lãnh đạo thành công. Trong khuôn khổ phiên thảo luận với những hạn chế về thời gian và rào cản tiếng Anh trong hiệu quả biểu đạt, tôi mong muốn chia sẻ đầy đủ những góc nhìn của mình về đề tài này trong blog này của mình.




Theo báo cáo mới nhất của Deal Street Asia về Women in Startup, thống kê các startup trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2020, số vốn đã gọi của startup do nữ giới làm nhà sáng lâp hoặc đồng sáng lập là 1.4 tỉ USD trong tổng số 8.4 tỉ USD, chiếm 16,4%. Tuy nhiên, nếu bỏ trường họp của Grab- với đồng sáng lập là bà Tan Hooi Ling đã gọi 2 vòng, với số tiền hơn 1 tỉ USD, thì số vốn startup do nữ giới tham gia sáng lập đã gọi trong năm qua chỉ còn 360 triệu USD, chiếm 4.7%. Đặc biệt, với startup chỉ có duy nhất nữ giới sáng lập chỉ gọi được 0.9% trong tổng số vốn đã gọi trong năm 2020.


Còn với thị trường Việt Nam nói riêng, theo báo cáo của Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính tới cuối tháng 9-2019, tại Việt Nam có hơn 285.700 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành, chiếm khoảng 24% tổng số các doanh nghiệp trên khắp cả nước. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Có vẻ hiện nay chúng ta vẫn còn xa so với mục tiêu đặt ra trong quá khứ, với chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là tăng tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp từ 35% trở lên vào năm 2020.



Những điều gì đã "kìm hãm" người phụ nữ làm startup?


Những con số biết nói trên là kết quả của những vấn đề vẫn đang tồn tại từ lâu trong xã hội chúng ta, đã kìm hãm những người phụ nữ Việt tham gia khởi nghiệp.


Đầu tiên đó là định kiến xã hội. Xã hội cho rằng nam nhân khởi nghiệp vì có chí lớn, còn nữ nhân khởi nghiệp vì tham vọng lớn. Xã hội đang cho thấy, nữ nhân thì chạy theo nam nhân thành công, còn nam nhân thì chạy xa nữ nhân thành công. Định kiến xã hội này làm sao mà có thể cổ vũ phụ nữ dám dấn thân để thành công. Người phụ nữ đang phải chịu những sự "xung đột" trong những ngôi nhà, cộng đồng xung quanh, và trong chính nhận thức của họ. Từ đó, trong phụ nữ cũng hình thành cái gọi là rào cản tâm lý, khiến họ không tự tin, không dám mơ ước mơ lớn hơn. Bên cạnh đó, họ đang phải thầm chịu sự hi sinh của "chọn một trong hai" giữa sự nghiệp và gia đình. Những điều này đã làm kìm hãm rất nhiều tầm nhìn và sự dấn thân của nữ giới với startup.


Tiếp theo, đó là "Entry barrier"- rào cản gia nhập của nữ giới vào các hoạt động của nam giới như ăn uống hay thể thao, khi mà các hoạt động này lại là nơi tiếp cận những nguồn thông tin có thể có lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Là nữ giới, bạn đã bao giờ cảm thấy khó xử khi ngồi ăn uống khi xung quanh toàn là nam giới? Hay bạn có bao giờ tự hỏi làm sao để mình cùng chạy trên sân golf hoặc sân bóng đá với nam giới? Đáng tiếc là trong thế giới kinh doanh, những thông tin giá trị hay cơ hội giao dịch kinh doanh vẫn nằm nhiều trên những bàn tiệc hay các sân golf, sân bóng đá, nơi mà nữ giới chúng ta khó vào nhất. Rào cản này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong những cơ hội tiếp cận thông tin của nữ giới so với nam giới trên thương trường.


Và không thể không nhắc đến những Gender Bias- Thiên vị giới. Ví dụ, nam nhân thì giỏi công nghệ phù hợp làm startup công nghệ, nữ nhân thì không. Nam giới có độ cam kết lớn với startup hơn nữ giới. Nam thì lý tính logic, còn nữ thì cảm tính thiếu logic,... Cũng hai tuần trước, ở quỹ đầu tư chúng tôi có tổ chức một buổi workshop nội bộ, về đề tài Unconscious Bias (thiên vị vô thức) trong hoạt động đầu tư. Tôi nhận thấy xu hướng thiên vị giới tính này, không trừ một ai, bao gồm cả nhà đầu tư, không trừ một quốc gia nào, bao gồm cả Mỹ hay Nhật, đã đang là một trong những vấn đề lớn về sự bất bình đẳng, kìm hãm cho nữ giới dấn thân vào hệ sinh thái startup.


Cần những gì để Việt Nam có thêm nhiều startup của phụ nữ thành công?


Phụ nữ khởi nghiệp cần sự Hỗ trợ từ cả xã hội, chính phủ và gia đình người thân. Cuối năm ngoái, tôi có cơ hội được tham gia thảo luận sâu với Bộ Khoa học và Công nghệ - Đề án 844, và tổ chức Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp WISE về những chương trình hỗ trợ thúc đẩy phụ nữ Việt tự tin dấn thân khởi nghiệp trong năm 2021 này. Trước đó, trong khuôn khổ tuần lễ khởi nghiệp Techfest 2020, tôi cũng vinh dự được tham gia phiên thảo thuận về những giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ. Tôi nhận thấy, một điều tuyệt vời là hơn bao giờ hết, chính phủ đang rất nỗ lực, hỗ trợ phụ nữ Việt tham gia khởi nghiệp.



Tuy nhiên, phụ nữ cần nhiều sự ủng hộ hơn thế nữa, đó là sự ủng hộ đến từ người thân gia đình, sự đồng cảm và hậu thuẫn từ người chồng/người yêu bên cạnh, cổ vũ họ vượt qua những khó khăn. Khởi nghiệp sẽ là những hành trình dễ đi vào đơn độc, ngõ cụt, bế tắc, dẫn đến sự từ bỏ. Nên thực sự không có gì tuyệt vời và ấm áp hơn khi người phụ nữ có thể nhận được sự cổ vũ từ gia đình, người thân yêu giúp họ có thêm nhiều sức mạnh tinh thần với startup cảu mình.


Phụ nữ khởi nghiệp cần Team- đồng đội với những sức mạnh bổ sung. Thật ra, làm startup nói chung, dù nhà sáng lập là nam giới hay nữ giới, thì họ cũng đều cần đồng đội mạnh cùng đi với mình và cũng đều gặp khó khăn chung trong việc đi thu hút nhân tài tham gia đội ngũ. Nhưng đặc biệt với phụ nữ, họ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, do những rào cản hạn chế họ như đã kể trên. Khi mà những định kiến xã hội, rào cản gia nhập vào các hoạt động của nam giới, và thiên vị giới tính vẫn hiện hữu, thì phụ nữ sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần để có thể thu phục nhân tài. Do đó, họ sẽ phải thật sự hiểu được điểm mạnh của mình, rồi tập trung ưu tiên tìm nhân tài bổ khuyết cho những điểm yếu của mình trước. Họ sẽ cần phải dành thời gian nhiều hơn, bên bỉ hơn để tiếp cận và thuyết phục nhân tài tham gia team của mình, bằng khả năng chứng tỏ tiềm năng phát triển lớn của startup cũng như sự cam kết cao để đạt được sự thành công đó. Là nhà đầu tư startup ở giai đoạn sớm (Early-stage), tôi luôn đánh giá Team là yếu tố quan trọng nhất trong việc ra quyết định đầu tư, do đó, những nữ sáng lập xin hãy ưu tiên việc thu phục đồng đội mạnh trước khi quyết định dành thời gian đi gọi vốn, thuyết phục nhà đầu tư.


Để phụ nữ khởi nghiệp cần thêm những tấm gương phụ nữ khởi nghiệp thành công. Những tấm gương có vai trò vô cùng to lớn trong việc thay đổi những định kiến xã hội, rào cản gia nhập và những thiên vị giới tính, qua đó củng cố thêm niềm tin và động lực vào việc tham gia khởi nghiệp của nữ giới. Năm 2018, Boston Consulting Group có một bài báo cáo tích cực qua thống kê 350 startup (trong đó 258 startup là do nam giới sáng lập, và 92 startup do nữ giới sáng lập), các startup này tham gia MassChallenge có trụ sở tại Mỹ, là mạng lưới các chương trình Tăng Tốc toàn cầu hỗ trợ startup tiếp cận với các cố vấn, chuyên gia đầu ngành và các nguồn lực khác. Với dữ liệu trong 5 năm bao gồm thông tin gọi vốn và doanh thu của các công ty startup này, thông kê cho thấy startup do phụ nữ sáng lập mặc dù gọi được ít vốn hơn, nhưng lại tạo ra nhiều doanh thu hơn và cho thấy họ tạo ra được 78% doanh thu trên mỗi USD đầu tư, so với so với con số 31% của startup do nam giới sáng lập.



Đó là kết quả khảo sát cho thấy tín hiệu tích cực và cơ sở niềm tin rằng startup do phụ nữ sáng lâp có thể thành công.

Cụ thể, ở Việt Nam chúng ta cũng có những tấm gương phụ nữ khởi nghiệp tuyệt vời, như chị Lê Điệp Kiều Trang- CFO&COO của startup-Misfit Wearbles (chồng chị là anh Sonny Vũ là đồng sáng lập, công ty đã đã exit thành công với giá trị $260M ) và hiện nay đang là đồng sáng lập quỹ đầu tư Alabaster cùng với chồng chị. Bên cạnh đó chị vẫn có một gia đình nhỏ hạnh phúc của mình.

Ngoài ra, gần đây tôi cũng thường xuyên trò chuyện khởi nghiệp với chị Đào Chi Anh. Chắc hẳn những ai trong hệ sinh thái startup VIệt Nam vẫn còn nhớ tới chị. Dù dự án khởi nghiệp mang tên The Kafe của chị không thành công, nhưng chị vẫn đang rất bền bỉ với những startup tiếp theo của mình, đó là Gather về lĩnh vực Wellbeing (Ăn uống, Gym và Spa), và trang tin tức Her tất cả đều dành cho nữ giới. Tôi vẫn thường theo dõi các hoạt động hằng ngày trên trang cá nhân của chị, thấy được đằng sau sự bên bỉ không từ bỏ với khởi nghiệp đó của chị, còn là mái ấm gia đình hạnh phúc, là người chồng ủng hộ hỗ trợ và người con tham gia các hoạt động ẩm thực hằng ngày cùng với mẹ.


Với những tấm gương phụ nữ khởi nghiệp này, còn có định kiến nào có thể khằng định: phụ nữ sẽ không thể có trọn vẹn cả hai: Hạnh phúc và Thành công?


Tôi rất hy vọng sắp tới ngày càng có thêm thật nhiều phụ nữ Việt tài giỏi, bản lĩnh có thể phá bỏ những định kiến, rào cản, chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết, nhận được nhiều sự ủng hộ từ cả xã hội, gia đình, người thân và đồng đội xung quanh, để có thể gây dựng thành công startup của mình. Và những quỹ đầu tư khởi nghiệp như Genesia Ventures chúng tôi có thể đầu tư và hỗ trợ thêm thật nhiều startup do phụ nữ sáng lâp và lãnh đạo, góp phần nhỏ bé viết lên những câu chuyện phụ nữ Việt khởi nghiệp thành công. Khi đó, những góc nhìn qua lăng kính giới sẽ dần được xoá nhoà, chúng ta có thể tự tin nhắc đến startup thành công không phải vì giới tính.

bottom of page