top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoang Thi Kim Dzung

The Hardest Things: Con người và Xây dựng tổ chức trong startup


Xin chào các bạn! Là nhà đầu tư khởi nghiệp, tôi có cơ hội được đồng hành với các nhà sáng lập startup, cùng bước qua từng nốt thăng - trầm, cùng đối diện với những cơ hội và thách thức ở nhiều giai đoạn khác nhau của các startup. Đặc biệt, tôi thường xuyên được lắng nghe những trăn trở từ các nhà sáng lập về thách thức vận hành tổ chức trong một doanh nghiệp còn non trẻ với nhiều áp lực tăng trưởng và mở rộng. Thú thực, tôi luôn nhận thức được một điểm hạn chế của bản thân khi làm nhà đầu tư khởi nghiệp, đó là chưa có đủ kinh nghiệm trực tiếp vận hành một startup trên một năm, để đi qua hết các giai đoạn chu kì của một doanh nghiệp. Vì vậy, tôi luôn cố gắng chủ động không ngừng học hỏi các kiến thức và kinh nghiệm từ nhiều nguồn giá trị khác nhau, ví dụ, như trực tiếp từ các nhà sáng lập startup trong và ngoài quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư, hay tìm đọc, học hỏi từ sách vở.


Tôi vẫn nhớ, gần đây, ngay sau khi nhận được liên lạc từ một nhà sáng lập chia sẻ những khó khăn của anh trong việc tuyển dụng, giữ chân nhân tài, xây dựng đội ngũ vận hành năng suất cao, tôi không chần trừ mà đã lật lại những trang sách The Hard Thing About Hard Things- Building a Business When There Are No Easy Answers (Tiêu đề sách dịch sang tiếng Việt: Gian nan chồng chất gian nan) tham khảo những lời khuyên phù hợp, và sau đó chia sẻ lại cho nhà sáng lập đó. Đồng thời, tôi cũng dành hàng giờ đồng hồ tập trung ngồi học hỏi thực tế từ chia sẻ của anh Nguyễn Hoàng- Co-founder & CEO của BuyMed (thuocsi.vn) - startup quỹ Genesia chúng tôi đầu tư tại Việt Nam, về những thách thức và cách anh vượt qua. Bên cạnh đó, cũng như nhiều nhà sáng lập Việt Nam và thế giới có sự hâm mộ đặc biệt với cách Netflix xây dựng văn hoá và đội ngũ mạnh, tôi cũng lao vào học học tham khảo để vận dụng linh hoạt phù hợp với tình hình startup tại Việt Nam. Với những nỗ lực bù đắp lại những hạn chế trong kinh nghiệm của mình, tôi đã bổ sung được một phần kiến thức và để kịp thời hỗ trợ nhà sáng lập đó trong lúc trải qua khó khăn của mình. Từ đó, tôi có mong muốn chia sẻ những điều mình học hỏi được tới nhiều nhà sáng lập hơn nữa, đây là động lực mạnh mẽ để tôi viết bài blog này.


Có lẽ cuốn sách The Hard Thing About Hard Things - Building a Business When There Are No Easy Answers, là cái tên không còn xa lạ với nhiều nhà sáng lập startup tại Việt Nam. Cuốn sách được viết bởi Ben Horowitz - Cofounder and General Partner của quỹ đầu tư a16z. Trước đó, anh là Cofounder và CEO of Opsware ( hay còn gọi là Loudcloud), được mua lại bởi HP với giá 1.6 tỉ USD vào năm 2007.


Với kinh nghiệm sáng lập và điều hành một công ty startup công nghệ đạt được exit thành công cũng như từ góc nhìn của một nhà sáng lập quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, Ben Horowitz đã gói ghém chia sẻ rất nhiều trí tuệ được tích luỹ của mình thông qua cuốn sách này. Dưới đây là một số chia sẻ của Ben mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất, phải đọc đi đọc lại cho thấm và sau đó chia sẻ tới các nhà sáng lập startup quỹ tôi đầu tư ở Việt Nam:


💡 “Take care of the people, the products, and the profits - in that order.” Taking care of the people is the most difficult of the three by far and if you don’t do it, the other two won’t matter. Taking care of the people means that your company is a good place to work.

Ben có chia sẻ lời khuyên tới các nhà sáng lập startup là hãy quan tâm theo thứ tự: Con người, Sản phẩm và Lợi nhuận - nhất định phải theo thứ tự này. Cho đến nay, quan tâm tới yếu tố con người là việc khó nhất trong ba việc và nếu nhà sáng lập không làm tốt được điều này, hai việc còn lại sẽ không có ý nghĩa gì cả. Quan tâm thực sự đến con người trong startup, đồng nghĩa với việc tạo ra một nơi tốt thực sự để làm việc.


💡 Truly great leaders create an environment where the employees feel that the CEO cares more about the employees than she cares about herself. In this kind of environment, an amazing thing happens: A huge number of employees believe it’s their company and behave accordingly. As the company grows large, these employees become quality control for the entire organization. They set the work standard that all future employees must live up to.

Thế nào là một nhà sáng lập tuyệt vời và ý nghĩa sâu xa của việc đó trong việc vận hành một tổ chức hiệu quả? Ben cho rằng, những nhà lãnh đạo thực sự tuyệt vời là người tạo ra một môi trường mà ở đó nhân viên cảm thấy rằng CEO quan tâm đến nhân viên hơn là quan tâm đến chính bản thân họ. Khi đó, một điều tuyệt vời sẽ xảy ra là, các nhân viên tin rằng đó là công ty của họ và hành xử theo niềm tin đó. Khi công ty phát triển lớn mạnh, những nhân viên này sẽ trở thành người kiểm soát chất lượng cho toàn bộ tổ chức của startup. Họ sẽ đặt ra nền móng quan trọng và tiêu chuẩn làm việc mà tất cả nhân viên trong tương lai phải tuân theo.


💡 In good organizations, people can focus on their work and have confidence that if they get their work done, good things will happen for both the company and them personally. It is a true pleasure to work in an organization such as this. Every person can wake up knowing that the work they do will be efficient, effective, and make a difference for the organization and themselves. These things make their jobs both motivating and fulfilling.

Theo Ben chia sẻ quan điểm về một tổ chức tốt là nơi mọi người có thể tập trung vào công việc của họ và tin tưởng rằng nếu họ hoàn thành công việc của mình, những điều tốt đẹp sẽ xảy ra cho cả công ty và cá nhân họ. Ở đó, mỗi người có thể thức đầy dậy hứng khởi mỗi ngày, khi biết rằng công việc họ làm sẽ hiệu quả, và tạo ra sự khác biệt cho tổ chức và chính họ. Đây là những điều vô cùng quan trọng giúp tạo động lực cho nhân viên làm việc và cống hiến hết mình cùng đưa startup phát triển.


💡 There are only two ways for a manager to improve the output of an employee: Training and Motivation.

Bên cạnh đó, Ben có đề cập việc chỉ có hai cách duy nhất để lãnh đạo cải thiện kết quả làm việc của nhân viên: Đào tạo và Động lực


Đầu tiên, là Đào tạo nhân viên. Đào tạo được cho rằng sẽ mang lại hiệu quả, không chỉ giúp tăng năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp lãnh đạo quản lý chất lượng công việc của các nhân viên theo tiêu chuẩn đề ra, một cách hiệu quả. Đó cũng là cách để nhân viên cảm thấy mình được quan tâm đào tạo, được phát huy năng lực làm việc, tạo ra thành quả đóng góp, từ đó họ cảm thấy gắn kết startup và ở lại làm việc lâu dài hơn.


Thứ hai, là tạo Động lực. Nhà sáng lập startup cần phải luôn đặt 7 câu hỏi dưới đây để kiểm chứng hiệu quả từ nỗ lực của mình trong việc tạo ra môi trường làm việc có nhiều động lực cho nhân viên, từ đó, để có sự điều chỉnh nỗ lực một cách phù hợp mang lại hiệu quả tốt hơn:


1/ Nhân viên của bạn có hào hứng đến làm việc không? 2/ Nhân viên của bạn có tin tưởng vào sứ mệnh của công ty không? 3/ Họ có thích đến nơi làm việc hàng ngày không? 4/ Bạn có nhân viên nào không gắn kết tốt với công ty không? 5/ Nhân viên của bạn có hiểu rõ những gì họ được kì vọng không? 6/ Nhân viên ở lại lâu hay họ nghỉ việc nhanh hơn bình thường? 7/ Tại sao nhân viên nghỉ việc?

Bên cạnh đó, tôi không thể giấu được sự phấn khích của mình khi lật từng trang đọc tài liệu của Netflix tên là Reference Guide on our Freedom & Responsibility Culture. Tài liệu với tổng cộng 128 trang này, hàm chứa quá nhiều tinh hoa, chất xám từ kinh nghiệm của Netflix trong xây dựng một văn hoá mạnh theo đuổi những giá trị cốt lõi chung, tổ chức vận hành hiệu quả trong bối cảnh công ty không ngừng mở rộng, nhờ việc quán triệt tuyển dụng đào tạo con người có năng lực làm việc với hiệu suất cao. Dưới đây, tôi xin được chia sẻ một số trang chia sẻ tâm đắc nhất trong 128 trang tài liệu kể trên:






Cuối cùng, có lẽ trong nhiều câu chuyện anh Nguyễn Hoàng của BuyMed chia sẻ với tôi, tôi ấn tượng nhất về sự tâm huyết của anh trong việc tuyển dụng nhân tài phù hợp cho startup mình. BuyMed theo đuổi sứ mệnh lớn lao là: “Xây dựng hệ sinh thái y tế mà chưa ai dám xây dựng”- tạo ra nền tảng công nghệ sức khỏe cho Việt Nam và Đông Nam Á nhằm nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua các công nghệ chuyển đổi từ bác sĩ đến bệnh nhân và tất cả các bên liên quan khác. Anh muốn những nhân tài đang cân nhắc làm việc tại BuyMed hiểu đúng và hiểu rõ sứ mệnh này của BuyMed trước khi quyết định vào làm hay không. Để làm được như vậy, anh luôn đích thân tham gia mọi buổi phỏng vấn cuối cùng, là “đại sứ" để truyền thông điệp về sứ mệnh của BuyMed một cách rõ ràng nhất, với mọi ứng viên từ vị trí nhỏ nhất tới lãnh đạo cấp cao, dù trong bối cảnh BuyMed hiện nay đã có hàng trăm nhân viên, đội ngũ không ngừng được mở rộng, mỗi tuần đều có những nhân tài mới đầu quân vào công ty.


Sau khi lắng nghe nhiều trăn trở của các nhà sáng lập startup, và đọc cuốn sách The Hard Thing About Hard Things- Building a Business When There Are No Easy Answers, tôi hiểu được rằng có lẽ điều khó khăn nhất đối với startup vẫn luôn là vấn đề liên quan tới con người. Đi cùng với áp lực tăng trưởng nhanh chóng, startup luôn cần mở rộng quy mô tổ chức, bằng việc tuyển những nhân tài phù hợp cả về văn hoá công ty và năng lực làm việc. Trong một thị trường lao động ngày càng gia tăng tính cạnh tranh ở Việt Nam như hiện nay, tuyển được người nói chung vốn đã khó, tuyển được người phù hợp thực sự với công ty, tạo môi trường làm việc hiệu quả cho họ, và giữ chân họ ở lại lâu cống hiến cho sự phát triển của công ty còn khó hơn cả. Đó là lý do vì sao, phần lớn nội dung tôi tâm đắc của cuốn sách trên đều về việc đào tạo, và tạo động lực, môi trường tổ chức làm việc tốt cho nhân tài tại startup. Đó cũng là lý do vì sao, Netflix phải đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng văn hoá mạnh, tổ chức làm việc hiệu quả, và tới tận bây giờ, họ vẫn luôn là một trong số ít công ty đã đang làm tốt điều này. Là quỹ đầu tư khởi nghiệp, chúng tôi luôn ưu tiên chọn yếu tố con người của nhà sáng lập và đội ngũ của họ để làm tiêu chí đầu tư quan trọng nhất. Do đó, tôi hi vọng thông qua bài viết này, nhà sáng lập có thể tìm được một vài gợi ý giúp họ có thể đặt yếu tố con người làm trọng tâm trong startup mình, tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, văn hoá làm việc lành mạnh cùng với tầm nhìn sứ mệnh ý nghĩa, để duy trì động lực làm việc và cống hiến đưa startup Việt Nam chúng ta phát triển hơn nữa trong tương lai.

Comments


bottom of page