top of page
Tìm kiếm

The Models of DX: Các mô hình chuyển đổi số của Startup (Phần 1)


Trong những năm gần đây, khái niệm DX ( Digital Transformation: chuyển đổi số) được nhắc tới rất thường xuyên. DX với ý nghĩa là quá trình sử dụng các công nghệ để điều chỉnh các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng. Không chỉ các công ty, tập đoàn lớn tham gia vào cuộc đua DX, mà cả các công ty khởi nghiệp startup cũng hiện diện, góp phẩn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số này. Thực tế cho thấy đây là xu hướng không thể đảo ngược, đã và đang mang lại tính hiệu quả, hình thành cấu trúc kinh doanh mới bền vững cho nhiều lĩnh vực khác nhau.


Tại quỹ đầu tư khởi nghiệp Genesia Ventures, hơn 80 startup toàn cầu (tập chung chính ở thị trường Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam) chúng tôi trực tiếp đầu tư, đều có một điểm chung là: DX. Thông qua việc sử dụng công nghệ chuyển đổi số, để thay đổi cấu trúc và quy trình kinh doanh hiệu quả hơn, các startup đã giúp người dùng được hưởng lợi nhiều hơn so với các mô hình truyền thống. Từ kinh nghiệm đầu tư và theo sát hỗ trợ hơn 80 startup, chúng tôi đã đúc kết ra 9 Mô hình DX tiêu biểu dành cho các startup. Tôi sẽ lần lượt chia sẻ 3 mô hình trong từng phần trong các blog tiếp theo của mình.


(Xin chân thành cám ơn "Bậc thầy DX" trong team đầu tư Genesia Ventures, đồng nghiệp của tôi- Shunsuke Sagara đã hỗ trợ tôi hoàn thành bài blog chia sẻ này)








Mô hình DX cơ bản nhất là Mở rộng mạng lưới kết nối. Trước khi xuất hiện Internet (World Wide Web), việc trao đổi thông tin và giao dịch chỉ được thực hiện trong các trường học, công ty, nhóm và tổ chức cụ thể trong thế giới thực. Khi Internet (và sau đó là các ứng dụng được xây dựng trên nó) ngày càng phổ biến, mọi người có thể tận hưởng nhiều lợi ích khác nhau và không bị giới hạn về địa lý. Họ có thể vượt qua những hạn chế về thời gian và không gian để tiếp cận thông tin và kết nối. Đây là loại DX cơ bản và phổ biến nhất, và áp dụng cho hầu hết các dịch vụ web. Các ví dụ cụ thể bao gồm các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter), các trang thương mại điện tử (Amazon, Rakuten, Tiki, Tokopedia),...





Mô hình DX thứ 2 là giảm chi phí tìm kiếm và chi phí cơ hội. Mô hình này ngược lại với mô hình đầu tiên: giờ đây, khi có nhiều thông tin hơn mà không bị hạn chế thông qua Internet, nó đã làm tăng chi phí đáng kể liên quan đến việc tổ chức thông tin đó một cách hiệu quả để hỗ trợ quá trình ra quyết định lựa chọn. Điều này lại kích hoạt sự xuất hiện của bên trung gian mới, những người tổng hợp và sắp xếp thông tin phức tạp, cung cấp cho người dùng theo định dạng mà họ mong muốn.

Một ví dụ cho startup đi theo mô hình DX này mà quỹ Genesia Ventures tôi đầu tư ở Việt Nam, là Homedy- Nền tảng thông tin giao dịch bất động sản. Homedy ở trung gian, sàng lọc thông tin bất động sản đăng lên từ người bán/môi giới, hỗ trợ người mua/người thuê tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, thúc đẩy quá trình giao dịch bất động sản giữa 2 bên.










Mô hình DX thứ 3 là loại bỏ cấu trúc đa tầng và phân mảnh. Đối với các ngành mà chi phí hàng hóa dịch vụ cao, do yêu cầu mức độ chuyên môn cao, tạo ra nhiều lớp trung gian giữa người mua và người bán (nhà cung cấp) là điều vẫn khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều giao dịch và độ mở của thông tin trên các nền tảng trực tuyến, khiến sự bất cân xứng thông tin giữa người mua và người bán bị loại bỏ, những người trung gian mang lại ít giá trị sẽ ngày càng bị đẩy ra ngoài. Đây là một xu hướng thay đổi không thể đảo ngược đối với các ngành công nghiệp đòi hỏi dịch vụ được cung cấp một cách hiệu quả, tối ưu hoá các điều kiện giao dịch cho các bên.


Một ví dụ cho startup đi theo mô hình DX này mà quỹ Genesia Ventures tôi đầu tư ở Việt Nam là Luxstay- Nền tảng thuê căn hộ ngắn hạn. Luxstay đã làm tốt vai trò trong việc kết nối trực tiếp chủ căn hộ cho thuê với người muốn thuê, công khai minh bạch giá cho thuê, cùng với tính năng so sánh nhiều kết quả tìm kiếm khác nhau khiến người dùng có thể dễ dàng ra quyết định lựa chọn hơn.



Trên đây là 3 mô hình DX trong tổng số 9 mô hình tôi muốn chia sẻ trong blog ngày hôm nay. Startup của bạn có theo 1 trong 3 mô hình DX trên không? Hãy cho tôi biết nhận xét của bạn nhé!

Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong phần chia sẻ tiếp theo- Phần 2 của các mô hình DX trong Startup!


Comments


bottom of page