Xin chào các bạn!
Ở bài viết trước tôi có chia sẻ 3 mô hình DX chuyển đổi số đầu tiên dành cho Startup. Đến hẹn lại lên, trong bài viết này, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ 3 mô hình DX tiếp theo ở phần 2 dưới đây nhé!
Mô hình DX thứ 4 là mô hình Tổng hợp dữ liệu. Ở mô hình này, chúng ta chứng kiến sự thay đổi trong cách quản lý dữ liệu: từ việc các công ty - bên cung cấp dịch vụ quản lý dữ liệu người dùng của riêng mình, sang việc các công ty chia sẻ dữ liệu vào kho tập trung, để từ đó các bên tham gia có thể tối ưu hoá các cơ hội có được từ các dữ liệu, làm cơ sở cho các dịch vụ giá trị gia tăng của mình.
Ví dụ điển hình cho mô hình này có lẽ không thể không đề cập tới xu hướng ngân hàng mở (Open Banking), bằng việc áp dụng các công nghệ như giao diện lâp trình ứng dụng (Application Programming Interface- API) hay công cụ phát triển phần mềm (Software Development Kit- SDK) đã cho phép các bên thứ ba như các bên cung cấp dịch vụ kế toán, dịch vụ quản lý tài chính hay dịch vụ cho vay,.. truy cập vào dữ liệu hợp nhất, cùng tham gia vào việc tối ưu hoá và thương mại hoá dữ liệu đó.
Ngoài ra, các giải pháp SaaS (Software-as-a-Service: Phần mềm dạng dịch vụ) thường được biết đến nhiều là giải pháp giúp gia tăng hiệu quả năng suất hoạt động tổ chức, nhưng bản chất của SaaS không hẳn là vậy, mà SaaS thực sự giúp số hoá dữ liệu phân mảnh liên quan tới các hoạt động giao dịch hay hoạt động nội bộ tổ chức, từ đó tổng hợp các dữ liệu đã được số hoá đó ở một kho trung tâm thường qua công nghệ điên toán đám mây (Cloud), từ đó làm tăng hiệu suất và trải nghiệm sử dụng cho người dùng.
Một ví dụ cho startup đi theo mô hình DX này mà quỹ Genesia Ventures tôi đầu tư ở Việt Nam là Kamereo. Bên cạnh cung cấp dịch vụ đi chợ online KameMart dành cho người dùng cuối, Kamereo cung cấp dịch vụ SaaS - phần mềm quản lý mua thực phẩm sỉ cho nhà hàng, quán ăn. Một trong những chức năng chính của phần mềm này là hỗ trợ bên cung cấp thực phẩm sỉ và bên mua (nhà hàng, quán ăn) số hoá dữ liệu các giao dịch phân mảnh từ giấy, điện thoại, các ứng dụng chat,... tập trung lại trên một nền tảng quản lý đồng nhất. Từ các dữ liệu đó, các bên sẽ tối ưu hoá cho việc ra quyết định giao dịch tiếp theo, quản lý hiệu quả danh mục bán hàng/mua hàng hơn.
Mô hình DX thứ 5 là mô hình Tối đa hoá ROI tài sản, thời gian và không gian. Khi con người và mọi thứ ngày càng trở nên kết nối hơn, nhận thức toàn cầu ngày càng tăng về SDG (Sustainable Development Goals: Các Mục tiêu Phát triển Bền vững) và CSV (Creating Shared Value: Tạo ra Giá trị Chung), chúng ta chuyển từ thời đại tiêu dùng sang thời đại của nền kinh tế vòng tròn. Ở đó, các mô hình tiêu dùng và cung cấp dịch vụ được chuyển đổi rõ rệt từ tính "sở hữu" trong sử dụng, sang tính "trải nghiệm" và "chia sẻ". Điều này sẽ kích hoạt sự thay đổi giá trị nơi mọi người tìm cách tối đa hóa sự tiện lợi có được từ mọi thứ, thời gian và không gian.
Ví dụ điển hình cho mô hình DX này không thể không đề cập tới Sharing Economy- Nền kinh tế chia sẻ, được sinh ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), với sứ mệnh tối ưu hoá phân bổ nguồn lực giữa chỗ dư thừa và thiếu hụt tài nguyên, được áp dụng đa dạng các hình thức từ Vận tải, Tài chính, Hàng tiêu dùng, Không gian, Dịch vụ cá nhân và Dịch vụ chuyên nghiệp,...như các ví dụ trong hình bên dưới đây.
(Source: Forrester Research, Inc. 2015)
Một ví dụ cho startup đi theo mô hình DX này mà quỹ Genesia Ventures tôi đầu tư ở Việt Nam là Luxstay- nền tảng chia sẻ địa điểm lưu trú ngắn hạn. Trong xu hướng gia tăng Second Home (Ngôi nhà thứ hai sau nhà ở chính), là tài sản nhàn rỗi, nhằm mục đích đầu tư hoặc lưu trú trong một khoảng thời gian nhất định của chủ nhà và nhu cầu lưu trú ngắn hạn gia tăng giữa người đi du lịch hay công tác của khách thuê, Luxstay đã trở thành nền tảng kết nối giữa hai bên: chủ nhà và khách thuê, giúp phân bổ cung - cầu của tài sản "không gian" này một cách hiệu quả hơn.
Mô hình DX thứ 6 là mô hình cung cấp phần cứng đi kèm với phần mềm (SaaS plus a Box)
Đây là mô hình định nghĩa lại việc xây dựng mối quan hệ gắn kết lâu dài với khách hàng, bắt đầu từ phần mềm. Trong trường hợp chỉ bán sản phẩm ở dạng phần cứng, mối quan hệ với khách hàng kết thúc trong một lần duy nhất tại thời điểm bán. Nhưng việc kết hợp bán cùng với phần mềm, do tính chất được liên tục cập nhật qua các phiên bản và khả năng nâng cao trải nghiệm sử dụng được cá nhân hoá do lưu trữ dữ liệu sử dụng của phần mềm, giúp duy trì giá trị sử dụng của phần cứng trong một thời gian dài.
Apple, công ty đã xây dựng lại giá trị tiện ích của điện thoại di động, máy nghe nhạc và đồng hồ kỹ thuật số bắt đầu từ iOS và App Store, là một ví dụ điển hình của loại hình này. Ngoài ra, Tesla cũng được coi là công ty phần mềm, bên cạnh việc hỗ trợ nâng cấp toàn bộ xe qua hệ thống cập nhật OTA (Over-The-Air), từ tháng 1/2019, Tesla lần đầu tiên giới thiệu một cửa hàng ứng dụng phần mềm, để chủ xe có thể mua dịch vụ thông qua App, giống như App Store của Apple.
Một ví dụ cho startup đi theo mô hình DX này mà quỹ Genesia Ventures tôi đầu tư ở Việt Nam là Manabie- Giải pháp giáo dục toàn diện kết hợp học trực tuyến ("phần mềm") và học trung tâm ("phần cứng") trải nghiệm cho học sinh K-12 ( Hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến lớp 12), hiện nay tập trung vào đối tượng học sinh trung học phổ thông. Bằng việc số hoá các trải nghiệm học tập trên nền tảng Manabie Online và tối đa hoá các điểm chạm (touch points) với người học ở tất cả các mạng lưới Trung tâm học trải nghiệm Manabie Hub vật lý, đã giúp Manabie duy trì được mối quan hệ liên tục lâu dài và bền vững hơn với người học.
Trên đây là 3 mô hình DX tiếp theo trong tổng số 9 mô hình tôi muốn chia sẻ trong blog ngày hôm nay. Startup của bạn có theo 1 trong 3 mô hình DX trên không? Hãy cho tôi biết nhận xét của bạn nhé!
Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong phần chia sẻ tiếp theo- Phần 3 của các mô hình DX trong Startup!
Comentários