top of page
Tìm kiếm

The Models of DX: Các mô hình chuyển đổi số của Startup (Phần 3)

Xin chào các bạn, đến hẹn lại lên, hôm nay tôi xin chia sẻ hết 3 mô hình còn lại trong 9 mô hình DX cho startups. Đây là bài blog chia sẻ cuối cùng trong series "DX Models for Startup" của tôi. Cám ơn các bạn đã kiên trì chọn đọc nhé!



Mô hình DX thứ 7 là mô hình "Bán tự động". Trong bối cảnh thiếu hụt lao động, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao của các ngành, đi kèm với sự phát triển và chuyển giao công nghệ đã là yếu tố kích hoạt nên sự kết hợp linh hoạt công nghệ và thủ công hay gọi là bán tự động vào các chu trình công việc. Cụ thể với những chu trình mà máy móc công nghệ có thể làm tốt, thay thế con người thì sẽ được tự động hoá, còn những chu trình mà con người có thể phát huy tối đa năng lực không thể thay thế được (như sự sáng tạo, kiểm tra chi tiết chất lượng sản phẩm cuối, chăm sóc khách hàng..) thì sẽ tiếp tục được sử dụng. Do đó, các quy trình vốn phức tạp sẽ được vận hành trơn tru, với hiệu suất tối ưu, khi hiểu rõ những ưu và nhược điểm của công nghệ kĩ thuật và sự can thiệp "thủ công" của con người.




Một ví dụ cho startup đi theo mô hình DX này mà quỹ Genesia Ventures tôi đầu tư ở Việt Nam là Homedy- nền tảng giao dịch bất động sản. Với tính đặc trưng của ngành này là, việc mua hoặc thuê nhà mang giá trị giao dịch cao, tần suất ít (mua nhà có thể một đời người một hoặc vài lần), nên khách hàng có sự thận trọng và cần nhiều thời gian đưa ra quyết định cần có sự can thiệp lớn của bộ phận chăm sóc khách hàng. Vậy nên việc tự động hoá hoàn toàn các chu trình: từ tìm nhà tới ra quyết định và làm thủ tục mua/thuê bằng công nghệ không phải là sự lựa chọn hợp lý trong việc giải quyết vấn đề của ngành bất động sản. Vì vậy Homedy đã áp dụng công nghệ nền tảng vào chu trình đầu tiên của việc tìm nhà đó là cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch cho người tìm mua/thuê, và tự động hoá kết nối họ với các chuyên gia môi giới. Rồi từ đó, các chuyên gia sẽ làm việc trực tiếp với khách hàng để hỗ trợ việc ra quyết định mua/thuê nhà.



Mô hình DX thứ 8 là mô hình DX- Hiểu khách hàng trước khi sản xuất. Đây là mô hình đảo ngược quy trình sản xuất và bán hàng truyền thống, đó là tạo ra chu trình đi từ việc "phân phối ảo" (tiếp thị trước) tới khách hàng mục tiêu để hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của họ, từ đó sẽ bắt đầu vào việc lên kế hoạch sản xuất các sản phẩm có thể bán được.

Mô hình kinh doanh Gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) là một trong những ví dụ tiêu biểu cho mô hình DX thứ 8 này. Bằng việc chia sẻ thông tin sản phẩm dự kiến sản xuất lên trên nền tảng gọi vốn cộng đồng, một mặt để gọi vốn cho chi phí sản xuất, mặt khác là nhận được sự chú ý từ đó là các đơn hàng mua từ khách hàng. Đây là thông tin vô cùng quan trọng để kiểm tra xem sản phẩm đó có phải là sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không. Ví dụ, sản phẩm xe đạp Superstrata của anh Sony Vũ được in 3D bằng vật liệu carbon fiber , vừa qua đã thông qua chiến dịch huy động vốn cộng đồng. Chỉ tính trên trang Indiegogo, tại thời điểm của bài viết này, xe đạp Superstrata đã thu hút ủng hộ từ 4,457 khách hàng, với giá trị đơn đặt hàng gần 7 triệu USD. Giờ đây, điều mà đội ngũ của Superstrata cần phải làm đó là tập trung vào chuẩn bị công đoạn sản xuất dựa theo những đơn hàng đặt trước này, qua đó sẽ giảm được lượng hàng tồn kho hay tổn thất do không bán được.


Một ví dụ khác, không phải là với sản phẩm phần cứng Hardware, mà quỹ Genesia Ventures tôi đầu tư ở Việt Nam là Manabie- startup công nghệ giáo dục, tự sản xuất nội dung học chuẩn chất lượng cao tới các em học sinh. Thông qua nền tảng số là ứng dụng học tập Manabie Online, startup này nắm bắt được khả năng và thói quen học tập của từng học viên, để từ đó sản xuất và đề xuất những nội dung học tập phù hợp nhất mang lại hiệu quả học tập cao cho các học viên của Manabie.


Mô hình DX thứ 9 là mô hình SaaS cung cấp giải pháp chuyên môn. Đặc điểm của mô hình này là tập trung vào một hay một vài nghiệp vụ chuyên môn cao để giải quyết hiệu quả các bài toán trong các nghiệp vụ đó, thông qua giải pháp SaaS (Software as a service: Phần mềm dạng dịch vụ). Ví dụ như: nghiệp vụ kế toán, nghiệp vụ quản lý chu trình sản xuất, giải pháp quản lý đơn hàng ngành F&B,...Ở đây, SaaS mang lại lợi thế lớn cho người dùng có thể được hưởng giá trị gia tăng như tối ưu hoá nghiệp vụ, bên cạnh lợi ích về cắt giảm chi phí. Bản chất của sản phẩm SaaS là khách hàng càng sử dụng, càng tạo ra sự ra tăng về dữ liệu sử dụng, từ đó hiệu quả mạng lưới (Network Effect) được phát huy, ở đó càng nhiều dữ liệu gia tăng, càng nhiều lợi ích dành cho người sử dụng.



Một ví dụ cho startup đi theo mô hình DX này mà quỹ Genesia Ventures tôi đầu tư ở Việt Nam là Kamereo - phần mềm mua/bán thực phẩm sỉ cho các doanh nghiệp F&B. Phần mềm SaaS của Kamereo không chỉ giúp cho các nhà hàng (bên mua) và nhà cung cấp (bên bán) tiết kiệm chi phí tìm mua/bán thực phẩm sỉ, mà còn hỗ trợ quản lý hiệu quả các đơn hàng, hàng tồn kho và từ đó hỗ trợ khả năng dự đoán nhu cầu mua/bán của các đối tác tham gia.


Như vậy, qua chuỗi 3 bài viết chia sẻ vừa qua, tôi đã giới thiệu 9 mô hình DX dành cho startup, mà ở quỹ đầu tư Genesia Ventures chúng tôi thường sử dụng để làm khuôn tư duy đánh giá tiềm năng và hiệu quả ki vọng của mô hình. Đặc điểm chung của những mô hình này nằm ở việc giảm chi phí, gia tăng hiệu quả làm việc, tối ưu hoá phân bổ nguồn lực, cơ hội và thông tin không cân xứng giữa các bên. Tầm nhìn mà Genesia Ventures hướng đến là : A SOCIETY THAT CREATES WEALTH AND OPPORTUNITIES FOR ALL - thông qua hoạt động đầu tư và hỗ trợ các startup tạo ra các cơ hội, giá trị đồng đều cho mọi người. Vì vậy, chúng tôi tin các mô hình DX này với những đặc điểm đề cập trên đã đang và sẽ mang lại các giá trị tích cực cho xã hội. Nếu startup bạn có chung tầm nhìn, đi theo một trong các mô hình DX này, chúng tôi hi vọng có thể đồng hành với các bạn. Xin cám ơn!


bottom of page