top of page

Suy nghĩ về Network Effect trong nghề VC

Nếu như bài viết Daily Blog trước của tôi chia sẻ “Suy nghĩ về MOAT trong nghề VC” là bài mở màn cho chuỗi bài viết về series Bài toán xây dựng MOAT cho các startup ở giai đoạn sớm, thì tôi tin rằng không có đề tài nào hoàn hảo hơn để khép lại chuỗi series này bằng bài Daily Blog ngày hôm nay của tôi, bằng đề tài “Suy nghĩ về Network Effect trong nghề VC”. Có thể nói, VC là một mô hình kinh doanh rất khó scale. Tuy nhiên, bản thân là người tâm huyết theo đuổi con đường VC, luôn đau đáu suy nghĩ về xây dựng lợi thế phát triển bền vững trong nghề, và được truyền cảm hứng từ nhiều startup, tôi cũng luôn mong muốn tìm kiếm cách xây dựng Network Effect trong nghề này cho mình.


Tôi tin rằng, trong một hệ sinh thái startup phát triển cả về chất và lượng, thì VC sẽ không còn là bên được đi chọn startup, mà sẽ luôn ở trong thế làm sao để được chọn bởi những nhà sáng lập ưu tú nhất của những công ty startup tiềm năng nhất. Để làm được như vậy, thì VC luôn phải có cho mình những lợi thế cạnh tranh nhất định. Mặc khác, VC cũng là nghề phải “chạy bền” ít nhất là cần đi hết gần vòng đời phát triển của một startup, một vòng đời của 1 fund trong quỹ để biết được mình đầu tư có thực sự thành công hay không, quỹ có thể mang lại lợi nhuận đầu tư cho LP - đối tác đầu tư của mình hay không. Do đó, đòi hỏi VC phải có lợi thế cạnh tranh, không phải trong nhất thời, ngắn hạn, mà phải luôn được duy trì và tích luỹ trong dài hạn. Tương tự bất kỳ startup nào cũng cần phải có, tôi tin rằng MOAT - lợi thế cạnh tranh bền vững, cũng vô cùng quan trọng với nghề VC.


Tôi tìm thấy có một điểm chung ở các công ty công nghệ hàng đầu hiện nay như Google, Amazon, Facebook,… trong việc bứt phá và duy trì được lợi thế phát triển lâu dài. Đó là nằm ở việc họ đã xây dựng thành công MOAT cho mình, thông qua Network Effect, Switching Cost, Data,… để liên tục tạo ra sự gắn bó và lợi nhuận từ khách hàng trong hệ sinh thái của mình. Trong đó, có thể nói Network Effect - Hiệu ứng mạng, là một “viên gạch” vô cùng quan trọng không thể thiếu để xây dựng thành trì MOAT bền vững theo thời gian cho bất kỳ một doanh nghiệp startup công nghệ nào hiện nay. Được gắn bó trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lâu nay, và nhận được nhiều cảm hứng từ các startup mình đồng hành, tôi luôn đặt câu hỏi rằng liệu có cách nào cho VC - một business model vốn rất khó scale, lại có thể xây dựng được Network Effect để giúp VC mở rộng hiệu quả hoạt động đầu tư và hỗ trợ startup của mình.


Như đã chia sẻ về định nghĩa Network Effect trong bài Daily Blog gần đây, đối với startup hiệu ứng mạng được hiểu là hiện tượng giá trị của sản phẩm, dịch vụ được gia tăng khi có thêm sự tham gia của mỗi một khách hàng. Áp dụng nguyên lý chung này, tôi tin rằng với VC thì, từng thương vụ đầu tư, từng startup họ đồng hành được gia tăng, có thể đóng góp tích cực cho việc gia tăng chất lượng và tính hiệu quả của hoạt động đầu tư, đóng góp giá trị cho startup của các VC. Bên cạnh đó, nếu được chọn ra một mô hình kinh doanh cho VC, thì có thể nói VC có mô hình của một platform - nền tảng kết nối lấy con người làm trung tâm. Ở đó VC sẽ kết nối các nguồn lực vốn, nhân tài, chuyên gia, đối tác phát triển kinh doanh cho startup. Cụ thể, đó là LPs (Limited Partner - đối tác đầu tư của quỹ), các quỹ đầu tư cho vòng tiếp theo, các công ty tuyển dụng và tổ chức giáo dục đào tạo nhân tài, các doanh nghiệp muốn hợp tác kinh doanh với startup. Mặc dù có mô hình của một platform, nhưng hầu hết các hoạt động kết nối này đều diễn ra rất thủ công, vì khó có được một hệ thống nào “tự động hoá” được hoạt động kết nối cần rất nhiều niềm tin giữa con người với nhau như vậy.


Do đó, tôi tin rằng để tạo ra và tối ưu được Network Effect cho VC, sẽ đòi hỏi VC cần liên tục các hoạt động tìm kiếm, lựa chọn ra các startup tiềm năng nhất để đầu tư, sau đó là hỗ trợ các startup đó tới ngày thành công. Ở mỗi bước này, hiệu ứng mạng đều có thể được tạo ra và bổ trợ cho các bước khác. Nếu VC có sự nghiêm túc tâm huyết chọn lọc đầu tư vào các công ty tiềm năng nhất của các nhà sáng lập mạnh nhất, thì bản thân nhà sáng lập của các startup sẽ có xu hướng giới thiệu các nhà sáng lập khác tốt giống họ trong network của mình giúp VC có thể tiếp tục Access - tiếp cận được các cơ hội đầu tư tốt cho quỹ. Hơn nữa, các nhà sáng lập tốt nhất của những startup tiềm năng nhất sẽ có xu hướng muốn tham gia vào network của các quỹ VC hàng đầu có những danh mục đầu tư startup thành công nổi bật trên thị trường. Mặt khác, trong quá trình đồng hành hỗ trợ các startup đầu tư, các quỹ VC có thể tích luỹ được nhiều bài học kinh nghiệm, sự uy tín để từ đó có được nhiều mối quan hệ từ cá nhân chuyên gia tới tổ chức quan tâm với startup để tham gia vào network của VC. Những điều này sẽ giúp VC không ngừng “mài sắc” được năng lực đầu tư và hỗ trợ, đóng góp giá trị cho startup tốt hơn nữa qua từng thương vụ đầu tư. Và kết quả là, các quỹ đầu tư càng đầu tư nhiều startup thành công, lại càng thu hút được nhiều nguồn lực từ vốn tới nhân tài, liên tục mở rộng được chuỗi giá trị đóng góp tích cực vào sự phát triển cho các startup họ đồng hành. Thực sự có thể nói, để khiến cho “bánh đà” Network Effect này được tạo ra, duy trì momentum tích cực như vậy, đòi hỏi VC luôn phải sáng suốt, kỉ luật, lăn sả và kiên nhẫn trong hoạt động đầu tư startup của mình.


Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về nguyên lý tạo ra và duy trì Network Effect trong nghề VC. Tôi tin rằng, không chỉ riêng các nhà sáng lập startup, các quỹ đầu tư tâm huyết cũng sẽ luôn đau đáu suy nghĩ, đi tìm công thức để chiến thắng và thành công trong nghề đầu tư của mình. Back to Basic. Thật ra, công thức này rất đơn giản, nhưng khó thực hiện một cách kỷ luật và bền bỉ. Đó là Keep fighting!! - trong việc tiếp tục tìm ra, tiếp tục đầu tư vào các công ty tiềm năng nhất, tiếp tục lăn sả hỗ trợ các công ty đó tới ngày thành công!!

bottom of page