Nếu như ở thế kỉ trước các doanh nghiệp lớn trên thế giới được xây dựng nên bằng tính kinh tế theo quy mô (Economies of Scale) từ nguồn lực đầu tư lớn hay hậu thuẫn từ chính phủ. Thì đến thế kỷ này, các công ty công nghệ có thể bứt phá bằng MOAT của mình thông qua Network Effect, Switching Cost, Data,… để liên tục tạo ra sự gắn bó và lợi nhuận từ khách hàng trong hệ sinh thái của mình. Đi đầu là các ông lớn Google, Facebook, Amazon,…Vậy các startup nhỏ bé ở giai đoạn sớm với nguồn lực hạn chế thì có thể làm gì để xây dựng MOAT cho mình? Tiếp nối hành trình đi tìm câu trả lời cho bài toán trong chuỗi series này, tôi xin phép được chia sẻ suy nghĩ của mình về “Atomic Network Effect as a MOAT” dành cho startup ở giai đoạn sớm trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!
Có thể nói Network Effect - Hiệu ứng mạng, là một thành tố không thể thiếu để xây dựng MOAT - lợi thế cạnh tranh bền vững cho bất kỳ một doanh nghiệp startup về công nghệ nào hiện nay. Hiệu ứng mạng là hiện tượng xảy ra khi sự gia tăng số lượng người dùng tham gia nền tảng, sử dụng sản phẩm và dịch vụ, sẽ kéo theo sự gia tăng về giá trị, tạo sự gắn bó của khách hàng cho chính nền tảng, sản phẩm và dịch vụ đó. Ví dụ dễ hiểu và tiêu biểu nhất cho hiệu ứng mạng này có lẽ là Facebook. Số lượng người dùng Facebook càng tăng, sẽ tạo ra nhiều nội dung và kết nối để tương tác, từ đó càng mang lại giá trị cho người đang sử dụng, khiến họ gắn bó sử dụng nền tảng xã hội này lâu dài. Bạn thử tưởng tượng, một ngày Network Effect của Facebook biến mất đi, mở trang mạng xã hội này trắng xoá, không có một kết nối hay nội dung tương tác nào với những người dùng khác, liệu bạn vẫn có tiếp tục sử dụng Facebook?
Mỗi một mô hình kinh doanh đều có những cách tiếp cận xây dựng Network Effect cho mình, nhưng đều dựa trên nguyên lý chung đó. Ví dụ, với mô hình nền tảng giao dịch Marketplace kết nối nhà cung ứng (Supply side) với khách hàng (Demand side), thì hiệu ứng mạng sẽ xuất hiện khi sự tăng về số lượng nhà cung cấp với sự gia tăng về số lượng sản phẩm được cung ứng, sẽ mang lại nhiều giá trị cho khách hàng trong việc có nhiều sự lựa chọn hơn với mức giá thành cạnh tranh hơn. Ngược lại, với sự gia tăng về khách hàng tham gia nền tảng giao dịch, sẽ giúp các nhà cung ứng được tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, từ đó là bán được nhiều sản phẩm hơn nữa.
Tuy nhiên để xây dựng được hiệu ứng mạng đó hoạt động một cách có ý nghĩa, thì nền tảng cần phải đạt được một số lượng người tham gia nhất định. Cụ thể với ví dụ về mô hình nền tảng giao dịch Marketplace kể trên, thì nền tảng phải giải quyết bài toán con gà - quả trứng trước, khi phải có một số lượng nhà cung ứng đủ nhiều với nhiều sự lựa chọn, thì người dùng mới kéo vào giao dịch. Ngược lại nền tảng phải có số lượng người dùng đủ hấp dẫn nhất định, thì nhà cung ứng mới quan tâm gia nhập nền tảng để phân phối. Để làm được như vậy, thì startup cần phải có đủ nguồn lực để hấp dẫn, thu hút hiệu quả cả hai bên cùng gia nhập nền tảng. Nhưng startup ở giai đoạn sớm, hoạt động với quy mô nhỏ, với nguồn lực hạn chế, sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện thì làm sao có thể xây dựng được Network Effect cho mình? Đau đáu với câu hỏi này, cuối cùng tôi cũng đã tìm thấy được cách tiếp cận hiệu quả cho startup ở giai đoạn này, nằm ở Atomic Network Effect.
Trong bài Daily Blog trước đây tôi đã từng chia sẻ về Atomic Network. Đây là khái niệm lần đầu được Andrew Chen - General Partner của a16z chính thức chia sẻ trong cuốn sách The Cold Start Problem của mình. Tuy nhiên, khái niệm này về cơ bản là không mới, với tiền đề khá quen thuộc với nhiều nhà sáng lập, đó là “Go Niche, Start Small”. Atomic Network là network tập khách hàng ở quy mô nhỏ nhất có sự yêu thích sản phẩm, sử dụng ổn định và tương tác tích cực, giúp cho bản thân network đó có thể tự duy trì và phát triển được. Nguyên tắc cơ bản của Atomic Network này là tập trung vào chất, thay vì lượng, vì càng có nhiều khách hàng cùng một lúc, càng khó để tạo ra Atomic Network có ý nghĩa và hiệu quả ở giai đoạn đầu của startup. Startup có thể tạm quên đi khái niệm chung chung của quy mô thị trường (Market size) với TAM - SAM- SOM. Thay vào đó, startup sẽ cần xác định rõ ràng nhóm khách hàng nhỏ mục tiêu ban đầu của mình, hiểu rõ đúng mục đích sử dụng, trong hoàn cảnh và điều kiện thời gian cụ thể nhất có thể. Từ đó là làm mọi cách, kể cả là cách tưởng chừng như khó scale nhất để làm hài lòng tập khách hàng đó, khiến họ sử dụng và gắn bó sâu sắc với sản phẩm của bạn.
Một khi startup có thể thành công xây dựng được Atomic Network ban đầu của mình, startup có thể xây dựng được Atomic Network thứ 2, thứ 3,… thứ 100+. Những Atomic Network tiếp theo sẽ là những tập khách hàng cận biên của tập khách hàng trong Atomic Network trước đó. Quá trình mở rộng các Atomic Network có thể giúp startup theo thời gian mở rộng được tập khách hàng lớn hơn, tạo ra Network Effect ở quy mô lớn, từng bước chiếm lĩnh thị trường mục tiêu và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững MOAT cho riêng mình. Tôi gọi đây chính là cách tiếp cận “Atomic Network Effect as a MOAT” cho startup ở giai đoạn sớm.
Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về vai trò quan trọng và cách xây dựng Atomic Network cho các startup ở giai đoạn sớm với nhiều nguồn lực còn hạn chế. Đây cũng chính là cách tiếp cận ý nghĩa giúp startup từng bước tạo ra được Network Effect ở quy mô lớn sau này, nhưng cần bắt đầu bằng việc kiên nhẫn tập trung vào chất thay vì lượng, từ những tập khách hàng nhỏ bé “Atomic” mục tiêu của mình. Hi vọng các startup ở giai đoạn sớm sẽ tìm thấy những bài viết về xây dựng MOAT trong chuỗi series này những gợi ý quan trọng cho mình trong việc xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững từ những ngày đầu tiên nhé! Yeah, Keep fighting!!
P/S: Các bạn có thể đọc thêm bài viết Daily Blog trước đây về Bài toán lựa chọn khách hàng #4: Ý nghĩa của việc xây dựng Atomic Network cho startup ở giai đoạn sớm nhìn từ case M Village để hiểu rõ hơn về cách M Village thực tế tiếp cận xây dựng Atomic Network cho mình như thế nào nhé!
Xin mời mọi người quan tâm đọc lại 4 bài viết trước đó, trong chuỗi series xây dựng MOAT cho startup ở giai đoạn sớm dưới đây nhé:
Bài toán xây dựng MOAT #2: Suy nghĩ về việc xây dựng văn hoá startup từ giai đoạn sớm
Bài toán xây dựng MOAT #4: Suy nghĩ về “SPEED as a MOAT” ở startup giai đoạn sớm
Xin cám ơn các bạn rất nhiều đã kiên nhẫn theo dõi và đọc hết 5 bài viết trên của tôi! Yeah, Just keep fighting!!!