top of page
Tìm kiếm

#5: Daily Catchup with Zun: Full response for the new normal in Fundraising


Xin chào các bạn!

Hôm nay là thứ 4, ngày 10, tháng 6, năm 2020. Các bạn đã có một ngày như thế nào?


Với mình thì hôm nay lại là một ngày đầy ắp những hoạt động, Morning Cafe Catchup với các founder, thu âm sản xuất tập Podcast sắp tới với founder Kamereo, rồi tham gia hội thảo trực tuyến, đọc các pitchdeck của startup Việt Nam và nghiên cứu các cơ hội đầu tư. Dù lịch trình bận rộn, nhưng mình cũng không quên cập nhật tin tức, học hỏi, và giờ là ngồi viết Daily Blog này. Dù đã khá muộn, nhưng mình biết rằng các founder cũng đang thức để học hỏi và làm việc đúng không? Hi vọng, các bạn vẫn dành thời gian Catchup với mình hôm nay qua blog này nhé!


Nội dung mình muốn chia sẻ ngày hôm nay, sẽ không phải là các bài báo, bài viết đầy ắp thông tin nữa, mà mình muốn trả lời đầy đủ tất các câu hỏi quan trọng ở buổi hội thảo trực tuyến ngày hôm nay. Đó là buổi hội thảo với chủ đề "Những điều bình thường mới trong gọi vốn Startup" nằm trong khuôn khổ cuộc thi khởi nghiệp K-Startup Grand Challenge 2020. Tham gia với mình ngày hôm nay, là 5 nhà đầu tư khởi nghiệp khác ở Châu Á, và 3 founder của 3 startup đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp của K-Startup Grand Challenge trước đó.






Buổi hội thảo trực tuyến diễn ra trong hơn 2 tiếng, với rất nhiều câu hỏi và câu trả lời ý nghĩa. Các bạn chưa kịp theo dõi buổi hội thảo này, xin mời xem lại nội dung chương trình được ghi lại ở link dưới đây nhé!




Chương trình thu hút được nhiều sự quan tâm theo dõi từ các bạn làm startup, mọi người đã rất tích cực gửi rất nhiều câu hỏi tới chương trình, trong khuôn khổ 2 tiếng với 9 khách mời, rất khó cho chúng mình có thể trả lời đầy đủ hết theo kì vọng của các bạn. Thêm nữa, hội thảo diễn ra bằng tiếng Anh, cũng khó cho mình truyền đạt đẩy đủ hết các ý trong thời gian nhắn, và cũng khó cho tất cả các bạn ở Việt Nam tập trung nghe hết được. Vì vậy, mình quyết định, tổng hợp đầy đủ câu trả lời của mình dành cho các câu hỏi nhận được từ các bạn, thông qua bài blog này, để các bạn có thể Catchup đầy đủ hết với mình nhé!


1/ Các nhà đầu tư khởi nghiệp (Venture Capital: VC) đã làm gì giúp các founder startup mình đầu tư vượt qua Covid-19 này?


Trước câu trả lời của mình, các VC khác đã trả lời đề cập tới việc ra sức hỗ trợ các startup họ đầu tư kéo dài đường chạy (runway) nhiều nhất có thể, kỳ vọng là khoảng 12~18 tháng. Ví dụ, cắt giảm chi phí như Marketing, nhân sự, cùng với tối ưu hoá tổ chức vận hành trong công ty. Cùng với nỗ lực đó, trong trường hợp các công ty startup cần thêm vốn để kéo dài runway, các VC cũng cân nhắc đầu tư thêm (follow-on investment) cho các công ty đó.

Mình trả lời bổ sung thêm việc cổ vũ các founder "Stay Connected" (luôn giữ kết nối) với nhân viên, với khách hàng, với các nhà đầu tư, và với chính niềm tin sứ mệnh của họ với startup. Bên cạnh đó, quỹ đầu tư Genesia Ventures mình vẫn luôn "Stay Connected" với chính các bạn founder, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn của Covid-19 này. Ở Genesia Ventures, cách ngày trong tuần bên mình có tổ chức Virtual Drinks, mời các khách mời là các nhà sáng lập của các công ty thành công, họ đã trải qua và vượt lên mạnh mẽ từ các khủng khoảng trước đó, chia sẻ, động viên và đưa ra lời khuyên cho các founder startup quỹ mình đầu tư. Thậm chí sau mỗi buổi Virtual Drinks đó, các founder cũng chia sẻ những bài học được cho những người khác, đặc biệt General Partner Takahiro Suzuki bên mình cũng tổng hợp lại các thông tin bổ tích đó trong các blog cá nhân của mình để chia sẻ rộng hơn tới cộng đồng khởi nghiệp, để cùng vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.



Còn cá nhân mình, ngoài luôn chủ động stay connected với các founder startup bên mình đầu tư ở Việt Nam, mình cũng ngồi lại với các founder, bàn cách "vượt khó", "bứt phá" trong giai đoạn này, hỗ trợ tìm đối tác lớn để đầu tư chiến lược hoặc hợp tác kinh doanh để cùng phát triển, cũng như hỗ trợ tuyển dụng các quản lý cấp cao cho các startup (vì giai đoạn này có sự dịch chuyển nhân sự cao nhiều ở các công ty, nên cũng là cơ hội để tuyển dụng nhân tài)


2/ Với góc nhìn của nhà đầu tư, đâu là 3 từ chìa khoá chính cho tiêu chí "Không thay đổi" và "Thay đổi" từ sau Covid-19, trong việc ra quyết định đầu tư vào startup?



Mình đã trả lời, có 2 tiêu chí nhất quán không thay đổi, và 1 tiêu chí có sự thay đổi sau Covid-19 đó là:

  • 2 tiêu chí không thay đổi:

    • Thị trường tiềm năng: Các câu hỏi sẽ là thị trường mà startup nhắm tới có đủ lớn, tiềm năng, đi theo xu hướng không? Và vấn đề startup giải quyết trong thị trường đó có đủ "đau" và lớn tới việc khách hàng cảm thấy phải sử dụng (must-have product) và trả tiền cho sản phẩm đó hay không?

    • Đội ngũ sáng lập mạnh: Các câu hỏi sẽ là người sáng lập (founder) và đội ngũ của mình có am hiểu và có kinh nghiệm với thị trường đó không? họ có tư duy chiến lược và khả năng biến các kế hoạch kinh doanh thành hành động và kết quả thực tiễn hay không? Họ có phải là người đam mê, cháy hết mình, nhưng cũng rất tỉnh táo để biết mình không thể bị "cháy rụi" (burn-out) để có thể chạy được đường dài tới ngày chiến thắng hay không? (Mình đã có bài chia sẻ về Jobs of CEO ở bài blog ngày hôm qua, rất chi tiết về "định nghĩa" một nhà sáng lập có khả năng thành công cao, mời bác bạn tham khảo ở đây nhé!

  • 1 Tiêu chí thay đổi: Đó là các nhà đầu tư sẽ cân nhắc kĩ và chọn ra các mô hình kinh doanh bền vững hơn, cho thấy tiềm năng đạt điểm hoà vốn, đạt được lợi nhuận trong tương lai. Như thế nào được gọi là mô hình bền vững? Theo mình, đó là mô hình có Unit Economic tốt (LTV (Life Time Value: Giá trị vòng đời khách hàng phải lớn hơn CAC (Customer Acquisition Cost: Chi phí có được khách hàng), và nên lớn hơn bao nhiêu? thì có nhiều ý kiến chuyên ra đưa ra, nhìn chung thì LTV sẽ lớn hơn CVC ít nhất 3 lần, cần ít nhất 12 tháng để thu lại chi phí CAC đã bỏ ra, dành cho SaaS Business.



Tuy nhiên, cần phải nhìn LTV và CAC trong một giai đoạn thời gian đủ dài, không phải ngay từ đầu mà LTV phải lớn hơn CAC 3 lần, vì chúng sẽ cần có sự thay đổi và cải thiện. Dưới đây là một trong những ví dụ mình hoạ cho một "đường cong đẹp" để các bạn tham khảo nhé:




(Tham khảo thêm ở đây)


3/ Các nhà đầu tư quan tâm tới lĩnh vực thị trường nào để đầu tư ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?


Câu trả lời của mình là DX (Digital transformation: Chuyển đổi số) các hoạt động của doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hoá hoạt động và mang lại nhiều sự tiện ích giá trị cho khách hàng. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát APEC CEO 2018 của PwC, có 42% doanh nghiệp Việt Nam và 36% doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đầu tư vào các startup địa phương, cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn trở thành “doanh nghiệp số” thông qua việc đầu tư vào các cách làm mới, các phép thử mới. (Tham khảo ở đây). Bên cạnh đó, mình tin rằng, Covid-19 đã là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa ở Việt Nam. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các startup "dấn thân" vào lĩnh vực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp (DX for B2B), các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hơn để trả tiền mua dịch vụ giúp họ chuyển đổi số, khiến thời gian sales của startup đó sẽ được rút ngắn hơn.


Ở khía cạnh DX for B2C (Business to Customer)- chuyển đổi số cho khách hàng là người tiêu dùng, người dùng cuối dịch vụ. Covid-19 cũng khiến chúng ta nâng cao được tầm quan trọng của giao dịch trực tuyến (Online Transaction), giao dịch không chạm (Contactless Transaction) trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc và cách ly xã hội. Ví dụ, nhiều cửa hàng vật lý (offline shop) kinh doanh cũng phải DX- đó là tăng thêm kênh bán hàng trực tuyến (online shop). Bên mình đánh giá cao tiềm năng của tất cả các dịch vụ B2C tận dụng DX, gia tăng các Touch Point (điểm chạm) tới người dùng bằng cách Multi-Channels (đa kênh) trên cả nền tảng Online và Offline, bằng mô hình OMO (Online Merge Offline). Mình đã từng có chia sẻ quan điểm này ở bài Blog trước: After Digital- Các nhà sáng lập đã sẵn sàng chưa?. Ngoài ra, mình cũng đã có bài tổng hợp 6 xu hướng bình thường tiếp theo (The next normal) của tiêu dùng số hậu Covid-19 từ báo cáo của Facebook và Bain Company ở Blog trước. Các bạn có thể tham khảo thêm ở đây nhé!

Vì vậy, những startup nào phát triển sản phẩm tập trung vào những xu hướng mới và xu hướng tiếp theo này hậu Covid-19, sẽ có nhiều cơ hội mới để bứt phá phát triển trong tương lai.


Trên đây là các câu trả lời đầy đủ nhất cho 3 câu hỏi quan trọng trong buổi hội thảo trực tuyến, thảo luận về "Những điều bình thường mới trong gọi vốn Startup"

Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn đang làm startup, sẵn sàng chuẩn bị cho những điều bình thường mới để gọi vốn thành công, trong thời gian này nhé!


Xin chào và hẹn gặp lại các bạn vào ngày mai!


bottom of page