top of page
Tìm kiếm

One way ticket: Kỉ niệm tròn 5 năm ngày trở về Việt Nam làm nghề VC

Xin chào các bạn! Thời gian trôi qua thật nhanh! Mới vậy mà đã tròn 4 năm kể từ ngày tôi viết chia sẻ bài blog của mình về One way ticket: Kỉ niệm tròn một năm ngày về Việt Nam làm việc. Điều này đồng nghĩa với việc, hôm nay chính là ngày kỉ niệm tròn 5 năm trở về - nửa thập kỉ của hành trình bền bỉ đầu tư khởi nghiệp với nhiều thăng trầm, ghi dấu sự trưởng thành của tôi tại Việt Nam. Thú vị là đúng lúc vừa qua, tại buổi họp mặt hàng quý với các nhà sáng lập quỹ chúng tôi đồng hành tại Việt Nam - Genesia VN Founders Gathering Event, chúng tôi có nhận được một câu hỏi hay từ một nhà sáng lập startup tham gia. Đó là: “Phải chăng nhà đầu tư mạo hiểm VC càng làm lâu năm, càng khó đầu tư vào các startup mới hơn?”. Câu hỏi này thực sự khiến tôi suy nghĩ trăn trở rất nhiều. Vì câu trả lời sẽ không chỉ đơn giản là: "Đúng vậy!", đối với người muốn chạy bền thành công với nghề VC đặt trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Nhân dịp nhìn lại hành trình 5 năm của mình tại Việt Nam, tôi muốn đúc kết lại một vài chiêm nghiệm để trả lời đúng và đủ nhất cho câu hỏi thú vị này, thông qua bài viết đặc biệt ngày hôm nay nhé!


VC - đúng như cái tên đã nói lên tất cả - Đầu tư mạo hiểm - là những nhà đầu tư luôn sống trong những rủi ro. Đó là thế giới của những biến số, bất định, khó nắm bắt với quá nhiều điều không biết đúng và đủ do thông tin bất đối xứng. Đặc biệt là với VC tập trung đầu tư startup ở giai đoạn sớm như tôi. Do đó, khó có ai đủ thông thái, tự tin nói rằng mình biết hết toàn bộ sự thật, dự đoán trước được thành bại hoàn toàn. Không dừng lại ở đó, Feedback Loop - Vòng phản hồi trong hoạt động đầu tư VC lại cần phải mất nhiều năm mới dần nhận ra được quyết định đầu tư của mình có thực sự thành công hay thất bại. Do đó, đầu tiên tôi xin phép khiêm tốn nhận mình dù có hành trình nửa thập kỉ hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, thì thực sự tôi mới chỉ đi qua được một phần của Feedback Loop đó mà thôi. Tôi luôn thấy mình còn cần phải học hỏi, trau dồi hoàn thiện hơn nữa, không ngừng tích luỹ kinh nghiệm, để trưởng thành hơn nữa trong nghề VC của mình.


Tư duy phép trừ của đầu tư có chọn lọc hơn


Trong những năm tháng đồng hành trực tiếp với các startup tại Việt Nam, tôi được cùng các startup chứng kiến, trải qua nhiều thăng trầm, mà trong thế giới startup thì có lẽ trầm luôn nhiều hơn thăng. Càng đi lâu, càng quan sát đủ “Hỉ - Nộ -Ái -Ố” trong đó, tôi càng trở nên thực tế hơn. Vì vậy, tôi có thể nhìn thấy các biến số rõ hơn một chút, trở nên cẩn trọng và chọn lọc hơn trước. Nói vui thì là tôi đã có hành trình chuyển hoá của VC từ nỗi sợ thường thấy Fear of Missing Out (FOMO) sang Fear of Making Bad Investments (FOMBI). Nói nghiêm túc thì là tôi có sự đúc rút kinh nghiệm, linh hoạt áp dụng Tư duy phép cộng và phép trừ trong quá trình phát triển tuổi nghề VC của mình. Phép cộng giúp tôi không ngừng nỗ lực gia tăng tập mẫu trải nghiệm, lăn xả học hỏi mọi thứ khi chập chững bước vào nghề. Phép trừ, giúp tôi sàng lọc ra những điều quan trọng thực sự, để tập trung nguồn lực vào đó, sau khi đã học những bài học đắt giá quan trọng, để biết cái gì tốt, hiệu quả, còn cái gì là không. Tư duy phép trừ này giúp tôi hình thành nguyên tắc quan trọng trong hoạt động đầu tư của mình là: Thay vì theo đuổi Hot Trend, thì tập trung đầu tư vào Founder - Nhà sáng lập.


Thay vì theo đuổi Hot Trend, thì tập trung đầu tư vào Founder - Nhà sáng lập.


Cụ thể, tôi có từng chia sẻ về góc nhìn đầu tư vào startup, là sẽ cần một tầm nhìn dài hạn hơn các xu hướng hot trend hiện thời của thị trường rất nhiều. Hơn nữa, là quỹ VC tập trung đầu tư vào startup ở giai đoạn sớm, chúng tôi thường tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty startup hạt giống khi mới chỉ bắt đầu với đội ngũ sáng lập nòng cốt, ý tưởng mô hình kinh doanh và với sản phẩm sơ khởi (MVP) ban đầu của mình. Khi đó, mọi thứ mới chỉ là bắt đầu, sau đó startup sẽ phải trải quá trình cất cánh dò đường tới PMF với rất nhiều thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm đó, để tìm ra cái nào hiệu quả phù hợp, cái nào thì không, startup sẽ liên tục có những điều chỉnh từ nhỏ tới lớn, kể cả phải điều chỉnh mô hình kinh doanh (pivot), sản phẩm, thậm chị cả thị trường mục tiêu của mình. Do đó, chúng ta cũng không có gì phải quá ngạc nhiên, khi sau một thời gian ngắn gặp lại startup thấy công ty đã có nhiều bước tiến, thay đổi rất nhiều so với những ngày đầu tiên bạn gặp. Một khi đã nhận thức được “quá trình tiến hoá tất yếu” đó của startup, thì tôi tin rằng chúng ta sẽ tỉnh táo hơn trước việc đầu tư theo xu hướng và lĩnh vực Hot Trend.


Bên cạnh đó, thực sự có quá nhiều điều các nhà đầu tư startup ở giai đoạn sớm, không thể nắm bắt được đúng và đủ để ra được quyết định sáng suốt. Không chỉ là việc thiếu dữ liệu thông tin của quá khứ và hiện tại của doanh nghiệp, mà thực sự điều còn khó nắm bắt hơn cả, đó là biến số xảy ra trong tương lai. Mà biến số lớn nhất thật ra không phải nằm ở thị trường, đối thủ, mô hình kinh doanh,… mà là con người - nhà sáng lập. Do đó, tôi dành hết sự tập trung của mình vào lựa chọn đúng nhà sáng lập để đầu tư. Trong suốt hành trình trưởng thành làm nghề của mình, tôi luôn cố gắng đúc rút kinh nghiệm tìm ra hình mẫu nhà sáng lập mình muốn đồng hành đầu tư, ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Đầu tiên, với tôi hình mẫu nhà sáng lập đó cần có sự All-in, khi họ bỏ hết tất cả tâm huyết, sự tập trung và thời gian của mình vào chỉ một startup của mình cho tới lúc thành công. Startup là hành trình đầy rẫy rủi ro và thách thức luôn thường trực từ đến thị trường, sản phẩm, đối thủ, nguồn lực, tới vấn đề nội tại bên trong,… có thể đánh startup gục ngã thất bại bất cứ lúc nào. Do đó, đòi hỏi các nhà sáng lập startup luôn cần sự All-in, tập trung tuyệt đối để thực thi linh hoạt và sắc sảo, lúc tấn công, lúc phòng thủ, liên tục tìm mọi cách để tiến về phía trước. Mặt khác, tôi đã từng chia sẻ trong bài viết về 8 điểm chung nhất quán thường tìm thấy ở các nhà sáng lập startup thành công. Nhưng thực sự phải nói rằng, nhân vô thập toàn, hiếm có nhà sáng lập nào có đẩy đủ hết luôn được 8 đặc điểm này ở giai đoạn sơ khởi của startup, mà đó là hành trình không ngừng hoàn thiện mình của nhà sáng lập để có được nhiều nhất những đặc điểm này để thành công vượt trội. Tuy nhiên, nếu phải áp dụng “tư duy phép trừ”, lựa chọn ra trong 8 đặc điểm này, ra 1 đặc điểm cơ bản là nền tảng cần phải có nhất, từ những ngày ban đầu của bất kì nhà sáng lập nào nếu muốn thành công, thì theo tôi, đó sẽ là điều thứ 8 “Nhà sáng lập thành công là người có một sức mạnh nội tại, tham vọng rất lớn đi cùng đạo đức và kỷ luật. Họ không dễ dàng hài lòng và ngủ quên trên những chiến thắng nhỏ hiện tại. Tham vọng của của họ đã vượt qua cả những cám dỗ, mong muốn giàu có về vật chất đơn thuần. Điều này, giúp họ luôn tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu lớn tiếp theo”.


Vì vậy, để trả lời trước một phần cho câu hỏi quan trọng ở đề bài: Đúng là khi VC khi càng làm nghề lâu năm, thì càng “khó” đầu tư hơn, vì khi đó VC sẽ đầu tư có chọn lọc và cẩn trọng hơn với nguyên tắc đầu tư rõ ràng hơn của mình. Hành trình trưởng thành, chuyển hoá này của VC, tôi tin đó là quá trình phát triển từ lượng sang chất, tất yếu cần có. Là điều kiện cần thiết để giúp VC có thể tăng được xác suất chọn đúng doanh nghiệp startup để đầu tư, từ đó là để phát triển bền vững, thành công lâu dài với nghề hơn. Và đó chỉ là điều kiện cần thôi, còn điều kiện đủ sẽ là gì để hiện thực hoá được điều này?


Tôi luôn có sự ngưỡng mộ đặc biệt với những nhà đầu tư VC tích cực làm nghề hơn 20 năm, thậm chí là tới cả 30 năm, với nhiều thành tựu đầu tư nổi bật của mình. Tôi nhận ra đặc điểm chung giữa họ. Đó là họ hoạt động trong một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển cả về lượng và chất của Supply - Nguồn Cung startup cho thấy tiềm năng phát triển bứt phá, quản trị tốt để phát triển bền vững, tạo ra được lộ trình exit cùng thắng cho mọi người. Do đó, tôi tin rằng, để VC có thể sống bền, thành công với nghề hơn, thì sẽ cần 2 điều quan trọng dưới đây - là điều kiện đủ, chính là phần quan trọng còn lại để trả lời đầy đủ nhất, cho câu hỏi ở đề bài.



Khái niệm này, trực dịch ra là trò chơi có tổng dương. Điều này có nghĩa là, sự gặt hái lợi ích của những người tham gia lớn hơn sự mất mát của những người còn lại khi tham gia chung một hoạt động nào đó. Nhìn rộng ra hơn, để hệ sinh thái startup Việt Nam chúng ta là Positive-Sum Game thì điều kiện tiên quyết, là tất cả các thành phần tham gia trong hệ sinh thái cần tập trung vào đóng góp những giá trị tích cực, cùng hợp tác, nhằm thúc đẩy không ngừng sự mở rộng phát triển của hệ sinh thái. Trong đó, đặc biệt có startup là nhân vật chính. Thực sự, startup sẽ cần cho thấy tiềm năng phát triển, và giá trị doanh nghiệp được gia tăng bền vững thực sự từ đó. Liên quan tới chia sẻ về đề tài Interest Alignment: Bài học về việc dung hoà lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững cho startup, tôi tin rằng, tạo ra trạng thái cùng thắng win-win dành cho các bên tham gia cùng với startup, bao gồm các nhà sáng lập, nhà đầu tư, các cổ đông, đội ngũ quản lý, nhân viên,…là vô cùng quan trọng. Điều này, sẽ giúp các bên tham gia có được động lực tích cực hợp tác hướng tới mục tiêu chung - phát triển startup, từ đó là được hưởng lợi ích chung khi startup thành công.


Xuất phát từ chính tư duy Positive - Sum Game phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp này, tôi luôn nhắc nhở bản thân mình rằng, để mình có thể sống bền và thành công với nghề VC thì sẽ luôn cần điều dưới đây:


Keep Learning! Keep Sharing! Keep Investing!


Tôi đã từng chia sẻ trong một bài blog trước đây của mình, về lý do tại sao tôi lại viết blog chia sẻ nội dung liên quan tới startup và nghề VC. Trước đây, General Partner Takahiro Suzuki đã từng chia sẻ với tôi rằng, viết là hoạt động của Output, mà để Output được thì người viết cần phải được Input trước đó. Tức là phải học hỏi thật nhiều thì mới có thể viết được. Và theo thời gian, viết là cách học hỏi và duy trì việc học hỏi tốt nhất. Đúng vậy, thực sự tôi chỉ viết được khi trong đầu tôi luôn đau đáu về một đề tài nào đó, khiến tôi liên tục không ngừng lăn xả học hỏi, trải nghiệm, tìm kiếm thông tin kiến thức cho nó. Vì vậy, động lực cá nhân để tôi viết blog đến từ việc tôi muốn được liên tục học hỏi và trưởng thành hơn từ những trang viết của mình. Tôi luôn cố gắng học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau, từ các nhà sáng lập startup, từ đồng nghiệp cộng sự, từ thực tế đồng hành lăn xả với startup, từ sách, và cả từ internet - đây là một “thư viện khổng lồ” không giới hạn cho tôi học hỏi phát triển.


Không dừng lại ở đó, động lực tiếp theo vô cùng quan trọng để tôi viết - đó là chia sẻ và lan toả những giá trị tích cực tới những ai quan tâm tới startup và đầu tư khởi nghiệp, trong đó đặc biệt là các nhà sáng lập startup. Viết là xuất phát điểm cho sự trưởng thành của cá nhân, nhưng những giá trị lan toả cùng với những cơ hội được thảo luận, học hỏi lẫn nhau giữa tôi và các nhà sáng lập, giúp chúng ta cùng nhau tốt hơn hơn mỗi ngày. Tôi luôn để chữ Keep fighting kết thúc mỗi bài viết của mình, cũng là muốn cổ vũ các nhà sáng lập, cộng sự startup và chính bản thân mình, với những thông điệp tích cực nhất quán của mình. Từ những động lực chân thành và hành động nhỏ bé bền bỉ nhiều năm tháng qua, tôi hi vọng mình có thể góp một phần nhỏ bé cùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Positive - Sum Game phát triển hơn nữa tại Việt Nam.


Điều quan trọng tiếp theo, là cần Keep Investing! hơn nữa. Nhưng từ Investing này sẽ cần có nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc hơn nữa.


Đầu tiên, là tôi tin rằng VC chúng tôi cần “tiếp tục đầu tư” thêm nguồn lực hỗ trợ phát triển chính các startup quỹ đang đầu tư tại Việt Nam, để góp phần thúc đẩy các công ty phát triển bứt phá hơn nữa. Với tinh thần đó, vừa qua quỹ chúng tôi đã đẩy mạnh đầu tư hơn nữa để hỗ trợ các startup của mình, khi ra mắt Genesia Orbit HCMC. Chúng tôi mong muốn có thể tạo ra một nền tảng, bệ phóng giúp kết nối các nguồn lực cần thiết, giúp startup có thể lên được “quỹ đạo” để phát triển bền vững hơn.


Cùng với đó, tôi cũng tin rằng, VC chúng tôi cần “tiếp tục đầu tư” thêm niềm tin, sự quyết tâm, chất xám cùng với cách tiếp cận đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy phát triển đi lên chung của hệ sinh thái startup tại Việt Nam. Với tinh thần đó, vừa qua chúng tôi đã ký kết Hợp tác chiến lược giữa ngân hàng OCB và Genesia Ventures tại Việt Nam. Theo đó, Genesia Ventures chúng tôi sẽ giới thiệu các doanh nghiệp khởi nghiệp trong danh mục đầu tư của mình tại Việt Nam cho ngân hàng OCB. Từ đó, OCB sẽ tiến hành thẩm định, ưu tiên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính linh hoạt, tiên tiến & phù hợp với nhu cầu của các startup, giúp các doanh nghiệp này dễ dàng tiếp cận nguồn lực tài chính cần thiết trong quá trình phát triển. Tôi tin rằng, sự hợp tác chiến lược này là chưa từng có tiền lệ, khi đặt trong bối cảnh các startup nói chung vẫn đang gặp nhiều thách thức khi tiếp cận ngân hàng một cách truyền thống tại Việt Nam. Do đó, sự kiện này đã cho thấy niềm tin và quyết tâm rất lớn giữa ngân hàng OCB và Genesia Ventures, trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của startup quỹ đầu tư đồng hành nói riêng, cũng như lan toả tinh thần “Keep fighting” cho sự phát triển hệ sinh thái startup tại Việt Nam nói chung.


Và cuối cùng, điều quan trọng không thể không nhắc tới, là VC chúng tôi cần “tiếp tục đầu tư” vào các startup mới có tiềm năng phát triển lớn vươn tầm tại Việt Nam. Vì việc Keep Investing này sẽ khiến cho cho hệ sinh thái startup tiếp tục được tuần hoàn, tiếp nối dòng chảy phát triển, để lại nhiều bài học tích luỹ có giá trị cho thế hệ sau nối tiếp thành công từ thế hệ trước, tạo động lực tích cực cho các bên tham gia đóng góp giá trị gia tăng cộng dồn, từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Positive - Sum Game thực sự tại Việt Nam.



Sáng nay, tôi nhận được email này từ một em học sinh lớp 11. Thực sự tôi cảm thấy rất vui vì những hoạt động bền bỉ “Keep Investing” thời gian, nguồn lực, tâm huyết của mình trong nghề VC trong những năm tháng qua đã đang được lan toả rộng hơn tới từng thế hệ, trong đó có cả những thế hệ “măng non” hứa hẹn sẽ kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển vững mạnh hơn nữa. Nhân ngày đặc biệt kỉ niệm 5 năm trở về Việt Nam làm việc đầu tư khởi nghiệp với tư cách là VC, mượn cớ để đi tìm câu trả lời đẩy đủ cho câu hỏi “Phải chăng nhà đầu tư mạo hiểm VC càng làm lâu năm, càng khó đầu tư vào các startup mới hơn?” đặt trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, với mong muốn chạy bền thành công với nghề VC, tôi đã chia sẻ hết những suy nghĩ đau đáu của mình gửi gắm trong bài viết tâm huyết này. Xin cám ơn các bạn rất nhiều đã luôn đồng hành với tôi trong suốt hành trình nửa thập kỉ tại Việt Nam vừa qua!! Chúng ta hãy cùng “Just keep fighting!!” tiếp tục hành trình rực rỡ, chạy bền cùng Zunzun nhé!!

1 Comment


YMY AN
YMY AN
5 ngày trước

Một trái tim nóng! "Keep sharing". Mến Tặng Chị một ca khúc đẹp: https://youtu.be/MO8BbbFNl6Y?si=mZxoNvLK7yjZpF9P

Like
bottom of page