top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoang Thi Kim Dzung

Zunzun Review tháng 5/2023: Tổng hợp những bài học quan trọng và nổi bật trong tháng

Xin chào các bạn! Đến hẹn lại lên, trong những ngày cuối tháng 5 này, tôi đã dành thời gian ngồi nhìn lại, tổng hợp những bài học quan trọng, được truyền tải thông qua các bài viết Daily Blog mỗi ngày của mình. Từ đó, tôi đã chọn ra những bài viết nổi bật trong tháng, gói ghém lại trong bài Monthly Review này để gửi tới các bạn. Hi vọng, đây sẽ là bài viết tổng hợp ý nghĩa nhất, giúp các bạn dù bận rộn cũng có thể cùng catchup lại với Zun trong một tháng qua, để chúng ta cùng nhau học hỏi, cùng nhau tiến bộ hơn qua mỗi tháng nhé!


BuyMed: Chúng ta cùng nhau “Just Keep Fighting” nhé!


Vừa qua, tôi rất vui mừng được tham gia lễ kí kết hợp đồng đầu tư giữa BuyMed và 2 quỹ đầu tư UOB Venture Management đến từ Singapore và Development Finance Corporation (DFC) đến từ Mỹ. Tại đây, BuyMed đã chính thức kết thúc vòng gọi vốn Series B, oversubscribed, huy động tổng cộng 51.5 triệu USD. Trong bối cảnh khó khăn chung của “mùa đông gọi vốn” hiện nay, thì có thể nói BuyMed đã trở thành sự khích lệ, nguồn cảm hứng rất lớn tới hệ sinh thái startup Việt Nam. Tôi không chúc mừng tới đội ngũ sáng lập nhiều, mà chỉ động viên đội ngũ như mọi lần, rằng hãy cùng Keep Fighting nhé!! Thực sự, trong quá trình đồng hành, tôi đã được học hỏi rất nhiều từ BuyMed, và đồng thời cũng ghi lại những bài học này, với mong muốn lan toả hơn nữa tới cộng đồng startup ở Việt Nam. Nhân dịp BuyMed kết thúc vòng gọi vốn series B vừa qua, tôi đã tổng hợp 8 bài viết của mình, chia sẻ về hành trình phát triển của BuyMed.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Genesia Ventures: Thông báo hoàn tất gọi vốn 110 triệu USD cho Fund 3 của quỹ!


Ngày 10 tháng 5 vừa qua, quỹ đầu tư Genesia Ventures chúng tôi vui mừng thông báo, quỹ đã chính thức hoàn tất gọi vốn cho Fund thứ 3 của mình, với tổng số vốn gọi được là 15 tỉ Yên (tương đương với 110 triệu USD). Thực sự, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường với dòng tiền ngày càng trở nên đắt đỏ và khan hiếm như hiện nay, thì với việc hoàn tất gọi vốn cho Fund thứ 3 này của quỹ là một điều rất đáng trân trọng. Tôi muốn chia sẻ lòng biết ơn và sự quyết tâm mạnh mẽ, để từng bước hiện thực hoá tầm nhìn, mục tiêu và sự kỳ vọng gửi gắm của tất cả các đối tác đầu tư tại Genesia Ventures, thông qua bài viết Daily Blog chính thức của mình.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!

Đồng thời, xin cám ơn các quý báo đã ủng hộ, tích cực chia sẻ thông tin từ bài viết trên của tôi vừa qua nhé! (Vietcetera, Báo Đầu Tư, Vietnam Investment Review, The Business Times, The Leader,…)


Chuỗi bài viết về Bài toán Lựa chọn khách hàng:


#1: Suy nghĩ về việc đi tìm đúng phân khúc khách hàng đầu tiên cho startup


Trong quá trình thảo luận với nhiều startup ở giai đoạn đầu, tôi nhận ra rằng startup dễ sa vào một “cái bẫy”. Đó là phải cho nhà đầu tư thấy startup có thể cung cấp dịch vụ tới nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, càng nhiều thì càng cho thấy tiềm năng tăng doanh thu và mở rộng quy mô của startup. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là “cái bẫy” dành cho startup, khi không hiểu được đâu là phân khúc khách hàng tốt và phù hợp nhất trong từng giai đoạn của startup, đặc biệt là trong giai đoạn đầu với nguồn lực còn hạn chế. Việc không tập trung vào đúng phân khúc khách hàng, sẽ khiến startup khó có thể triển khai hiệu quả chiến lược phát triển sản phẩm và GTM để đạt được PMF trong nhóm khách hàng mục tiêu ban đầu.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


#2: Tại sao startup ở giai đoạn sớm nên cẩn thận với tập khách hàng “Low Hanging Fruit”?


Trong quá trình tiếp xúc với nhiều startup ở giai đoạn sớm, tôi cũng nhận thấy có nhiều công ty dễ sa vào một “cái bẫy” nữa, mang tên Low Hanging Fruit - bằng việc vội vàng tập trung thu hút khách hàng “dễ hái” nhất một cách nhanh nhất với ít nỗ lực nhất có thể. Khi được đặt trong bối cảnh nguồn lực rất hạn chế của startup ở giai đoạn đầu, thì việc lựa chọn tập khách hàng này thường được coi là điều tất yếu trong ngắn hạn. Hơn nữa, khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, trước áp lực phải gây ấn tượng rằng startup đã có “traction” thì đây lại càng trở thành tất yếu của startup. Tuy nhiên, tôi tin rằng “cái bẫy” của việc lựa chọn này có thể khiến startup phải trả giá lớn.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


#3: Suy nghĩ về cách chọn phân khúc thị trường của startup ở giai đoạn sớm, nhìn từ case của M Village


Tiếp nối bài viết Tại sao startup ở giai đoạn sớm nên cẩn thận với tập khách hàng “Low Hanging Fruit”? trong series Bài toán lựa chọn khách hàng, tôi muốn chia sẻ về case study M Village - một trong những startup quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư và đồng hành tại Việt Nam trong việc lựa chọn phân khúc “High Hanging Fruit” từ những ngày đầu tiên của mình. Dù cho có nhiều ý kiến cho rằng đây là phân khúc khó scale tại Việt Nam, nhưng chúng tôi lại không nghĩ vậy. Lý do vì sao?

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


#4: Ý nghĩa của việc xây dựng Atomic Network cho startup ở giai đoạn sớm, nhìn từ case M Village


Trong quá trình tiếp xúc với nhiều startup ở giai đoạn sớm, tôi nhận ra luôn có một khoảng cách lớn về nhận thức và kỳ vọng giữa các nhà sáng lập và các nhà đầu tư về khả năng mở rộng (Scalability) cùng với quy mô thị trường (Market size) của startup. Chính những khoảng cách này đã tạo ra những áp lực không cần thiết, khiến startup vội vàng mở rộng ra nhiều phân khúc khách hàng một cách không hiệu quả trong khi nguồn lực vẫn còn hạn chế, và chưa có nền tảng vững chắc ở giai đoạn đầu. Để tránh bị rơi vào thực trạng đáng tiếc này, tôi đã chia sẻ về tư duy xây dựng Atomic Network cho startup ở giai đoạn đầu, và chia sẻ case M Village về cách startup này đã áp dụng tư duy xây dựng Atomic Network ở giai đoạn sớm để mở rộng hiệu quả sau này.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Chuỗi bài viết về bài toán Xây dựng MOAT cho Startup ở giai đoạn sớm:


Đầu tiên chúng ta cùng hiểu qua khái niệm cơ bản của MOAT, làm tiền đề cho các chia sẻ của tôi trong chuỗi series bài viết về đề tài xây dựng MOAT nhé! MOAT được trực dịch ra trong tiếng Việt là con hào, được mô tả tượng hình là một rãnh nước sâu vây quanh ngăn cách một toà lâu dài bên trong với thế giới bên ngoài. Con hào này càng sâu và rộng thì việc tấn công chiếm lấy lâu đài thành công lại càng trở nên khó khăn. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho nguyên tắc xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững giúp doanh nghiệp có thể bảo vệ mình trước mọi đối thủ từ bên ngoài. Những lợi thế cạnh tranh này cần phải chất lượng, có giá trị trong dài hạn, theo thời gian trở thành điều mà không một đối thủ nào có thể sao chép được. Với startup, ở giai đoạn đầu của mình với nguồn lực còn nhiều hạn chế, trong khi quy mô và sức ảnh hưởng trên thị trường còn nhỏ bé, cùng nhắm tới một thị trường mục tiêu hấp dẫn, nơi mà các đối thủ khác từ nhỏ tới lớn, thậm chí rất lớn luôn lăm le tấn công, thì đâu là những viên gạch đầu tiên của MOAT startup cần có từ những ngày đầu của mình?


#1: Suy nghĩ về năng lực thu hút và giữ chân nhân tài của nhà sáng lập startup ở giai đoạn sớm


Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, viên gạch đầu tiên để xây MOAT của startup cần nằm ở chính nhà sáng lập. Vừa qua tôi có dịp được ngồi ăn tối với nhà sáng lập Homma Takuya và các thành viên chủ chốt của Manabie tại Việt Nam. Từ đây, tôi được quan sát sâu hơn về khả năng thu hút và giữ chân nhân tài của anh. Trong thế giới startup, mọi người thường hay nghĩ MOAT - con hào kinh tế - lợi thế cạnh tranh dài hạn, là điều gì đó cần nhiều thời gian để xây dựng, do đó chỉ dành cho các startup ở quy mô lớn sau này. Tôi thì có suy nghĩ rằng, những nhà sáng lập bản lĩnh sẽ luôn ý thức xây dựng MOAT cho startup mình từ những ngày đầu tiên. Để bắt đầu cho series mới về Bài toán xây dựng MOAT dành cho startup ở giai đoạn sớm, tôi đã chia sẻ về năng lực thu hút và giữ chân nhân tài của nhà sáng lập

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


#2: Suy nghĩ về việc xây dựng văn hoá startup từ giai đoạn sớm


Khi nhắc về MOAT, mọi người thường nhắc về những “big word” như Network Effects, Branding, Switching Costs, Economies of Scale,…là những khái niệm thường sẽ chỉ dành cho startup ở giai đoạn đã đạt được quy mô lớn. Vậy còn startup ở giai đoạn sớm thì sao? Là nhà đầu tư khởi nghiệp đồng hành với startup ở giai đoạn hạt giống, tôi luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để startup có thể từng bước vững chắc xây dựng được lợi thế MOAT, là tiền đề để doanh nghiệp phát triển bứt phá và bền vững sau này. Tôi tin rằng, nếu như so sánh một tổ chức như là cơ thể một con người, thì văn hoá tổ chức được coi như là linh hồn của con người. Ở đó bao gồm nhận thức, niềm tin, giá trị cốt lõi và mục tiêu mà tổ chức muốn hướng đến. Đây được coi là cái gốc quan trọng có khả năng chi phối quyết định, hình thành thói quen và hành động mỗi ngày của mỗi người làm việc ở trong đó. Do đó, tôi đã chia sẻ về vai trò xây dựng văn hoá, là cái gốc quan trọng tạo nên MOAT của startup.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


#3: Suy nghĩ về “Customer Obsession as a MOAT" cho startup ở giai đoạn sớm nhìn từ case của Amazon


Trong quá trình thảo luận với nhiều nhà sáng lập startup thành công ở giai đoạn sớm, tôi nhận ra ở họ có một điểm chung đến từ tư duy “Customer Obsession as a MOAT", được lấy cảm hứng từ nhà sáng lập Jeff Bezos của Amazon. Có nhiều cách để startup tập trung vào hoạt động kinh doanh của mình. Cụ thể, startup có thể tập trung vào đối thủ cạnh tranh, hay tập trung vào sản phẩm, tập trung vào công nghệ hạ tầng, hoặc tập trung vào mô hình kinh doanh đột phá của mình. Nhưng theo quan điểm của Jeff Bezos, ông cho rằng tập trung mạnh mẽ vào khách hàng là một trong những cách tốt nhất để doanh nghiệp duy trì hoạt động phát triển bền vững của mình. Tôi cũng tin rằng, tinh thần hướng về khách hàng tới mức ám ảnh một cách tích cực, sẽ giúp startup không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ, không ngừng sáng tạo ra những giá trị mới, từng bước thu hút chinh phục và giữ khách hàng ở lại sử dụng trung thành sản phẩm của mình. Đặc biệt, trong cuộc cạnh tranh không công bằng về nguồn lực, với nhiều hạn chế dành cho startup ở giai đoạn sớm, thì chính tư duy mang tinh thần Customer Obsession này, sẽ giúp startup có thể tạo ra được khoảng cách khác biệt với các đối thủ còn lại, để từ đó xây dựng được lợi thế cạnh tranh MOAT của mình theo thời gian.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


#4: Suy nghĩ về “SPEED as a MOAT” ở startup giai đoạn sớm


Tiếp nối những chuỗi suy nghĩ đau đáu của tôi về những điều quan trọng giúp startup đặt được những viên gạch đầu tiên để xây dựng MOAT cho mình, tôi đã chia sẻ về vũ khí mang tên SPEED - tốc độ dành cho startup ở giai đoạn sớm và cách tiếp cận cơ bản tạo ra lợi thế tốc độ này trong việc ra quyết định và thực thi quyết định hiệu quả tại startup. Tôi tin rằng, khi mọi thứ khác là bằng nhau, thì các công ty nhanh hơn cả trong mọi thị trường thường có lợi thế để thắng. Đặc biệt hơn nữa, với startup càng ở giai đoạn sớm, khi nguồn lực còn nhiều hạn chế, và cơ cấu hoạt động tổ chức còn tinh giản thì lại càng phải mài sắc “vũ khí” mang tên “Tốc độ” này, để có thể bứt phá đón lấy cơ hội phát triển cho mình.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


#5: Suy nghĩ về “Atomic Network Effect as a MOAT” ở startup giai đoạn sớm


Có thể nói Network Effect - Hiệu ứng mạng, là một thành tố không thể thiếu để xây dựng MOAT - lợi thế cạnh tranh bền vững cho bất kỳ một doanh nghiệp startup về công nghệ nào hiện nay. Hiệu ứng mạng là hiện tượng xảy ra khi sự gia tăng số lượng người dùng tham gia nền tảng, sử dụng sản phẩm và dịch vụ, sẽ kéo theo sự gia tăng về giá trị, tạo sự gắn bó của khách hàng cho chính nền tảng, sản phẩm và dịch vụ đó. Tuy nhiên để xây dựng được hiệu ứng mạng đó hoạt động một cách có ý nghĩa, thì nền tảng cần phải đạt được một số lượng người tham gia nhất định. Để làm được như vậy, thì startup cần phải có đủ nguồn lực để giải quyết được bài toán “Con gà - Quả trứng” đầu tiên. Nhưng startup ở giai đoạn sớm, hoạt động với quy mô nhỏ, với nguồn lực hạn chế, sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện thì làm sao có thể xây dựng được Network Effect cho mình? Đau đáu với câu hỏi này, cuối cùng tôi cũng đã tìm thấy được cách tiếp cận hiệu quả cho startup ở giai đoạn này, nằm ở Atomic Network Effect.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


Bonus: 2 bài viết mở màn và kết thúc chuỗi series Bài toán xây dựng MOAT


#0: Suy nghĩ về MOAT trong nghề VC


Vừa qua, tôi đã có một buổi lunch meeting rất ý nghĩa với một trong các đồng sáng lập của startup quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư ở Việt Nam. Điều ý nghĩa làm tôi ấn tượng nhất là khi chúng tôi thảo luận về MOAT - Lợi thế cạnh tranh bền vững của nghề VC, trong bối cảnh thị trường trầm lắng phải chứng kiến nhiều sự ra đi lặng lẽ của các VC trên thế giới, cũng như chúng kiến một làn sóng các nhà sáng lập startup sau exit đã tham gia nghề VC. Câu chuyện sâu sắc khiến tôi suy nghĩ suốt cả chặng đường về, và tôi đã chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về đề tài ý nghĩa này trong bài Daily Blog hôm đó.

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!


#6: Suy nghĩ về Network Effect trong nghề VC


Nếu như bài viết Daily Blog trước của tôi chia sẻ “Suy nghĩ về MOAT trong nghề VC” là bài mở màn cho chuỗi bài viết về series Bài toán xây dựng MOAT cho các startup ở giai đoạn sớm, thì tôi tin rằng không có đề tài nào hoàn hảo hơn để khép lại chuỗi series này bằng bài Daily Blog ngày hôm nay của tôi, bằng đề tài “Suy nghĩ về Network Effect trong nghề VC”. Có thể nói, VC là một mô hình kinh doanh rất khó scale. Tuy nhiên, bản thân là người tâm huyết theo đuổi con đường VC, luôn đau đáu suy nghĩ về xây dựng lợi thế phát triển bền vững trong nghề, và được truyền cảm hứng từ nhiều startup, tôi cũng luôn mong muốn tìm kiếm cách xây dựng Network Effect trong nghề này cho mình. Thật ra, công thức xây dựng này tưởng đơn giản mà lại khó thực hiện một cách kỷ luật và bền bỉ. Đó là, Keep fighting!! - trong việc tiếp tục tìm ra, tiếp tục đầu tư vào các công ty tiềm năng nhất, tiếp tục lăn sả hỗ trợ các công ty đó tới ngày thành công!!

Xin mời mọi người quan tâm đón đọc chi tiết bài viết này ở ĐÂY nhé!



Tạm biệt tháng 5 rực rỡ với rất nhiều bài học ý nghĩa được chia sẻ ở trên nhé! Tôi thực sự rất vui khi mình cơ hội được lăn sả, trải nghiệm và học hỏi mỗi ngày cùng với các startup của mình. Để từ đó, tôi có thể chia sẻ những bài học quan trọng này tới các bạn, tới nhiều người hơn nữa trong hệ sinh thái startup, để chúng ta cùng nhau học hỏi và phát triển. Yeah, chúng ta cùng nhau "Keep fighting" cho một tháng 6 sắp tới, rực rỡ hơn nữa nhé!!

Comments


bottom of page